Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Du lịch Sơn La nhớ thử món nậm pịa

Thứ năm, 02/06/2016, 14:49 GMT+7
Đến Sơn La, du khách miền xuôi luôn được người dân bản địa giới thiệu đầy tự hào về nậm pịa, món ăn phổ biến đặc sắc vùng Tây Bắc.
Món nậm pịa được làm từ nguyên liệu là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi… đem ninh nhừ. Ngoài ra còn một thành phần rất đặc biệt nữa đó chính là pịa. Pịa là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già. Nếu bạn từng biêt đến món phèo lợn thì hẳn sẽ dễ dàng hình dung được cách lấy pịa của người Thái.

Cũng khá thú vị nếu biết rằng, nậm pịa chỉ được lấy ở những con vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và các loài ăn cỏ khác ở rừng, trong đó dê được đánh giá cao nhất chính bởi khả năng dê có thể hồn nhiên chén rất nhiều loài lá có độc mà các con vật khác tránh xa. Dường như năng lực tự nhiên đã khiến dê tạo nên những chất có khả năng kháng độc trong cơ thể, từ đó nậm pịa dê có tính năng tiêu độc, giúp cơ thể con người tiêu hóa tốt hơn.


Chế biến nậm pịa bò cần chuẩn bị đủ mọi thứ từ con bò mới ngon nhưng quan trọng nhất phải là tiết bò đông, sụn bò, đuôi bò, thịt bò, bạc nhạc bò, lục phủ ngũ tạng nư lòng, dạ dày, gan… Khi mổ bò, người Thái rất cẩn trọng trong việc lấy phần pịa. Pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng bò mới được mang ra khỏi bụng bò, và được bảo quan cẩn thận tránh ruồi nhặng.Phần ruột non ngay sau khi được lấy ra phải dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, để chất nhũ tương trong ruột non không pha tạp. Chất dịch nhũ tương trong ruột non là phần tinh túy nhất, là thức ăn đã được chuyển hóa chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời mang vị đắng của mật, vị ngọt của protein.

Công đoạn nấu món nậm oịa cũng không hề đơn giản. Nồi nước xương bò được ninh sùng sục trong nhiều giờ liền cho đến khi nước dùng có đủ vị ngọt và vị ngậy người nấu mới đổ tất cả những nguyên liệu thịt, sụn và lục phủ ngũ tạng vào nồi ninh.  Phần ruột non sẽ được cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tầu, tỏi, ớt...tất cả đều băm nhỏ rồi đun sôi, cho tới khi trở thành sền sệt thì thành món nậm pịa trứ danh.


Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng. Vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, ta lại thấy miếng nậm pịa đắng nơi đầu lưỡi và ngọt nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.

Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của gia súc. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, đây là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích. Du khách cũng có thể đặt tour du lịch Đông - Tây Bắc để có cơ hội thưởng thức nhiều món đặc sản của đồng bào miền núi cũng như được khám phá nhiều phong cảnh thơ mộng và hùng vĩ ở khu vực này.
Phương Ly
Tổng hợp