Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Độc đáo lễ hội kéo song

Thứ tư, 08/04/2015, 16:16 GMT+7
Lễ hội kéo Song bên sông Cánh - một cách mô phỏng cảnh kéo thuyền trên sông của  người dân huyện Bình Xuyên từ bao đời nay.
Thời gian: Lễ hội kéo song được tổ chức từ ngày mùng 3 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm.
Địa điểm: Lễ hội kéo song diễn ra tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kéo song từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng cho văn hóa - lễ hội ở Vĩnh Phúc, và là một trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của cư dân nông nghiệp, khi tham gia trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có sự đoàn kết mang tính tập thể cao và mưu trí mới có thể giành được thắng lợi. Nhưng duy trì được trò chơi ấy trở thành một lễ hội như ngày nay thì chỉ còn lại ở Hương Canh.
 

Đến với điểm du lịch ở Vĩnh Phúc này vào ngày khai hội, du khách sẽ được theo chân các đội tập trung tại điếm thờ thần hậu Thổ ở khu vực mình. Những bậc trưởng lão dâng lễ vật, thắp hương khấn cầu thần phù hộ cho đội mình thắng trận. Sau đó, từng đơn vị, từ cơ sở diễu hành ra tập trung tại đình Hương Canh, làm thành đám rước, có nhiều cờ phướn đỏ, cờ ngũ hành, chen lẫn các biểu ngữ động viên tinh thần các đội. Cổ động viên đội mũ xanh, đỏ đề tên đơn vị mình, đi thành hàng ngũ cùng với chiêng khua, trống gõ tạo thành không khí náo nức, tưng bừng của ngày hội đầu xuân.
 
Lễ hội kéo song
Du khách đứng xem và cổ vũ cho các đội

Địa điểm diễn ra lễ hội kéo Song được tổ chức cố định ở bãi đất sát mép Sông Cà Lồ, bên đường quốc lộ số 2. Bãi dài khoảng 150m, rộng chừng 20m, xung quanh đào hào sâu 1m, rộng 4m, khơi nước sông thành rãnh ngăn cách, không cho khán giả xem chen lấn, người ta làm 1 chiếc cầu khỉ để đấu thủ, trọng tài và người chỉ huy có lối vào. 

Xem thêm:   Đền Thõng - Cửa ngõ của Tây Thiên
                      
Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh

Để chuẩn bị cho lễ hội kéo song, giữa hai đội được chôn một cột lim, hoặc cột gỗ báng súng dài 3m, chôn chặt xuống đất còn cao từ 1,2m đến 1,5m so với mặt đất. Trên thân cột đục một lỗ tròn xuyên qua, to bằng miệng chén, cao chừng 80cm đến 1m, rồi luồn dây song vào đó. Chính giữa dây song, người ta khoanh một vòng tròn đỏ, đặt trong lỗ cột, chia dây song thành hai phần bằng nhau. Dây bên nào bị rút qua lỗ quá vệt đỏ 50cm là bên ấy thua. Người kéo song phải ngồi  từng đôi theo đúng vị trí quy định của sự sắp xếp. Người ta đào hố cho từng cặp đối thủ ngồi, rộng 1m2, dài 1m4, chéo xuống như bậc thang, để vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ duỗi thẳng cả hai chân, đạp hết sức vào thành hố, hố nọ cách hố kia 1,5m. Muốn kéo kiểu gì, thì họ cũng chỉ được ngồi hay nằm trong cái hố của mình. Riêng cặp đầu tiên của cả hai bên đều có thể đứng, co chân đạp vào cọc để thêm lực đẩy.

Do sự kịch tính, sôi động của trò chơi, nên cứ đến mùa du lịch lễ hội, người dân trong và ngoài vùng lại nô nức kéo đến địa điểm thi Kéo song ở Hương Canh, huyện Bình Xuyên để thưởng thức môn thể thao cổ truyền và cổ vũ tinh thần cho các đội chơi.
Dulichvietnam.com
Sưu tầm