Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Lễ hội Tháp Bà Pônagar

Thứ ba, 10/03/2015, 15:38 GMT+7
Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống
Tháp bà Ponagar là quần thể đền tháp Chămpa được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII, thờ nữ thần Ponagar, tức Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Di tích còn bảo lưu được 28 đơn vị Minh văn có niên đại từ năm 784 đến cuối thế kỷ XIII và 14 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng.
 
Đây là cụm đền tháp có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt như: Kiến trúc, điêu khắc, bia ký, tượng thờ… nên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH TT&DL) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tiếp đến, năm 2013, Lễ hội Tháp bà Ponagar được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
Lễ hội Tháp Bà
 
Lễ hội Tháp bà Ponagar hàng năm là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất ở Khánh Hòa với mục đích ca ngợi công đức của Bà mẹ xứ sở và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Là cầu nối của quá trình giao lưu, đan xen và hòa nhập văn hóa giữa 2 dân tộc Việt - Chăm.
 
Năm nay, Lễ hội Tháp bà Ponagar diễn ra từ ngày 19/4 đến 22/4 (nhằm ngày 20 đến 23/3 âm lịch) với các nghi lễ: Lễ thay y, lễ cầu siêu và thả đăng, lễ mẫu, lễ cầu quốc thái dân an, lễ hoàn kinh, cúng ngọ và tế cổ truyền… Bên cạnh đó, trong không gian lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, trưng bày, triển lãm… tạo nên nét độc đáo riêng của Lễ hội Tháp bà Ponagar.
 
Lễ hôi Tháp Bà

Lễ hội Tháp bà Ponagar gồm những nghi thức chính sau:
 
- Lễ thay y: được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng. Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền, ... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn, ...
 
- Lễ thả hoa đăng: diễn ra từ 19 giờ đến 21giờ ngày 20 tháng 3. Nến và hoa được thả trên sông để cầu siêu cho các vong linh, với hơn mười ngàn chiếc hoa đăng nhỏ và năm hoa đăng lớn ...
 
- Lễ cầu quốc thái dân an: bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 21 tháng 3, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Đây là đại lễ cầu cho đất nước thanh bình, phồn vinh, nhân dân an vui, hạnh phúc.
 
- Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực: diễn ra từ 12 giờ đến 12 giờ 30 ngày 21 tháng 3 tại ngôi tháp chính, để dâng Mẫu và bố thí cho các cô hồn …
 
- Tế lễ cổ truyền: diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 23 tháng 3, do các cụ hào lão đình Cù Lao dâng lễ theo nghi thức cổ truyền, rất trang nghiêm.
 
- Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương: diễn ra từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 23 tháng 3. Sân lễ được dựng trước Mandapa (tiền đình), mặt hướng vào điện thờ Đức Thánh Mẫu. Vật phẩm dâng cúng gồm có: hương đăng, trầu cau, rượu, vàng bạc, một phong bì đựng tiền (tiền này không bắt buộc, cúng nhiều ít là do Ban Tổ chức) và một khay để hai roi chầu. Hát thứ lễ là hát cúng Bà và hát cho thần linh xem, do các đoàn Hát Bội thực hiện. Trong lúc diễn, yêu cầu diễn viên phải diễn nghiêm túc và tích tuồng được diễn cũng phải được chọn lựa và theo dõi gắt gao. Lễ Tôn Vương được cử hành rất trang trọng trước khi tuồng kết thúc và trở thành một lệ bắt buộc phải có khi hát ở lễ hội Tháp Bà.   
 
- Lễ Dâng hương tạ Mẫu: diễn ra từ 23 giờ đến 24 giờ ngày 23 tháng 3, để dâng hương đăng lễ tạ Mẫu.
 
- Múa Bóng và hát Văn: diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Một mùa lễ hội, trong và ngoài tỉnh có khoảng hơn 100 lượt đoàn vào tháp dâng lễ Mẫu, sau đó biểu diễn múa Bóng và hát Văn ở sân khấu trước tháp chính. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Múa Bóng là một hoạt động đặc sắc trong lễ hội Tháp Bà. Đến nay, Múa Bóng vẫn được người dân Nha Trang duy trì thực hiện trong các ngày lễ. Theo các cụ hào lão, ngày xưa xóm Bóng là nơi các vũ nữ Chăm về ở để biểu diễn Múa Bóng tại di tích và Lễ hội Tháp Bà. Tuy nhiên, ngày nay các đoàn người Chăm về dự lễ hầu như chỉ hành lễ mà ít tham gia Múa Bóng, còn các đoàn Múa Bóng trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa ít nhiều đã có những sự sáng tạo và ảnh hưởng của Hầu Đồng ở miền Trung và miền Bắc.
 
- Hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu: diễn ra từ 10 giờ đến 15 giờ ngày 23 tháng 3. Hội này dành cho các đoàn về dự lễ hội tháp Bà. Nước được Ban tổ chức lấy từ chùa Hang về để trong các vại đặt dưới Mandapa. Các đoàn cử người thi đội chum nước từ Mandapa rước nước lên tháp để dâng Mẫu. Mâm quả được các đoàn chuẩn bị và thi đội nào sắp xếp đẹp nhất để dâng Mẫu. Mâm lễ của đoàn nào đẹp nhất được dâng lên Mẫu ở tháp chính, các mâm còn lại sẽ được dâng ở các tháp khác trong di tích Tháp Bà Pônagar.
 
Dulichvietnam
Sưu tầm