Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Hoành Sơn Quan - cổng trời trăm tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

Thứ hai, 27/05/2019, 12:59 GMT+7
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà.
 Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. 
Lom khom dưới núi tiều vài chú. 
Lác đác bên sông chợ mấy nhà...”
 

Quả đúng như trong lời bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh quan. Dù bạn có ở đây lúc sáng sớm khi những tia nắng đầu tiên trong ngày vừa le lói hay chiều tà khi mà những mây mờ đã lảng bảng, thì bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một Hoành Sơn Quan cổ kính trên đỉnh Đèo Ngang đẹp mơ màng như chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Hoành Sơn Quan
 Đỉnh Đèo Ngang mơ màng chư chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn, như một thanh kiếm lớn vắt từ dãy Trường Sơn hùng vĩ đâm thẳng ra biển lớn theo hướng Tây Đông, và cắt ngang con đường thiên lý Bắc Nam.Theo sử sách, năm 1833 vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, cửa cao 4 m, hai bên có thành dài 30 m, ở trên cổng đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn quan”.
 
Hoành Sơn Quan
Theo sử sách, Hoành Sơn Quan là ranh giới cũ giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
 
Người dân địa phương thường gọi nơi đây là “cổng trời”, bởi Hoành Sơn Quan là điểm cao nhất của vùng đất này. Họ tưởng tượng như khi đặt chân đến đây là có thể với tay chạm được bầu trời xanh rộng lớn kia vậy. 
 
Hoành Sơn Quan
 Người dân địa phương thường gọi Hoành Sơn Quan là “cổng trời”.
 
Sau khi vượt hàng nghìn bậc đá uốn lượn theo sườn núi, du khách có thể chạm tới “cổng trời”. Khi đứng  ở đây, các bạn tha hồ ngắm trời đất bao la và biển nước mênh mông cũng như núi non trùng điệp kéo dài tít tắp. Phía xa xa là nhà cửa làng mạc trù phú, từng ô ruộng như bàn cờ vào vụ chín rộ màu vàng và thấy được cả những đoạn đường lượn quanh ôm dưới chân Hoành Sơn.
 
hoành sơn quan
Sau khi vượt hàng nghìn bậc đá uốn lượn theo sườn núi, du khách có thể chạm tới “cổng trời”.
 
Đèo Ngang cũng gắn liền với huyền tích thánh mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, xưa công chúa Liễu Hạnh ở thiên đình tính tình ngang bướng, phóng túng, không chịu theo khuôn phép nhà trời nên bị cha là Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân thành người con gái đẹp tuyệt trần, dựng quán nhỏ dưới chân núi Đèo Ngang – nơi không ai dám lưu lại vì rừng thiêng, thú dữ và cướp bóc. Ở đó, công chúa có nhiều hành động nghĩa hiệp, trừ gian tà nên được nhân dân trong vùng và lữ khách qua đường mến mộ, suy tôn. Từ đó, đền thờ thánh mẫu dưới chân đèo Ngang là nơi uy nghi, linh thiêng và có kiến trúc mang đậm tín ngưỡng của người Việt.
 
Hoành Sơn Quan
 Đền thờ thánh mẫu dưới chân đèo Ngang
 
Dẫu không thể so sánh về độ hùng vĩ của Hoành Sơn Quan với những tường thành khác trên dọc dài Bắc Nam ví như đèo Hải Vân, đèo Cả... nhưng địa danh này lại là nguồn cảm xúc bất tận cho các thi sĩ tài hoa như Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan... 
 
Hoành Sơn Quan
 Hoành Sơn Quan là nguồn cảm xúc bất tận cho các thi sĩ tài hoa
 
Nếu có dịp, bạn hãy một lần đến đèo Ngang, và bước lên hàng nghìn bậc tam cấp rong rêu đến với cổng Hoành Sơn để chiêm ngưỡng nét cổ kính của cổng trời trăm tuổi này, rồi thả hồn vào mây trời và ngâm nga vài tứ thơ của những thi sĩ năm xưa.
Lê Vân
Theo Báo du lịch