Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Di tích chùa Sắc tứ Tam Bảo Kiên Giang

Thứ sáu, 20/03/2015, 15:05 GMT+7
Chùa Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào ngày 23 tháng 3 năm 1988. 
 
Chùa Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa từng được các nhà sư yêu nước như Sư Trí Thiền (trụ trì chùa), Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân sử dụng làm trụ sở Hội Phật học kiêm tế, tạp chí Tiến hóa, điểm liên lạc Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào ngày 23 tháng 3 năm 1988. Hiện tại, chùa cũng là nơi đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang.
 
1, Kiến trúc :
 
Chùa Tam Bảo lúc đầu được dựng bằng gỗ, lợp lá. Năm 1917, Hòa thượng Trí Thiền đã trùng kiến ngôi chùa. Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên,ở mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên Hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trỗ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di Đà, Thích Ca và các vị Bồ Tát được bài trí trang nghiêm. Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường – nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.
 
 
2, Câu chuyện của Chúa Nguyễn và Chùa Tam Bảo:
 
Sách Đại Nam thực lục chép rằng, tháng 7 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ nghe tin Nguyễn Phúc Ánh đang ở đảo Côn Lôn, bèn sai phò mã Trương Văn Đa đem thủy binh đến vây ba vòng. Bỗng mưa to gió lớn nổi lên, bốn bề mây mù giăng kín. Trận bão đã nhấn chìm đội thủy binh của Trương Văn Đa. Thuyền của chúa Nguyễn nhân đó vượt vòng vây, đến hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc. “Ở đây quân lương thiếu thốn, binh sĩ phải hái cỏ tìm củ mà ăn. Bấy giờ có người đàn bà tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền vua gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng”.
 
Thị Uyển mà Đại Nam thực lục nói đến chính là bà Dương Thị Oán, người Rạch Giá. Nhà văn Sơn Nam trong quyển hồi ký của mình thì cho rằng bà Oán đã dâng cho Nguyễn Phúc Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển, thay cho loại quai chèo thắt bằng gai. Về sau, bà Oán cất một ngôi chùa ở Rạch Giá để tu hành. Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, có nhã ý trả ơn nhưng bà từ chối. Nhớ công lao xưa, vua đã sắc tứ ngôi chùa do bà lập.
 
Vào giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Ánh ở đảo Côn Lôn cũng có nhiều huyền thoại được người đời sau thêu dệt. Năm 1964, trên Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vĩ có đăng bài viết về bà Phi Yến của tác giả Sơn Vương. Theo Sơn Vương, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi ra Côn Đảo có đem theo bà thứ phi tên là Phi Yến, tên tục là Răm. Bà thứ phi có một con trai với chúa Nguyễn là hoàng tử Cải. Trong lúc khó khăn, chúa Nguyễn bàn với quần thần định đưa hoàng tử Cải sang Pháp cầu viện nhưng bị bà Phi Yến ngăn cản. Tức giận, chúa định đưa ra chém nhưng quần thần can gián kịp thời. Song chúa Nguyễn vẫn nghi ngờ bà thông đồng với Tây Sơn nên cho nhốt vào hang đá.
 
Hoàng tử Cải biết mẹ bị oan ức nên khóc lóc, chúa tức giận bắt quăng xuống biển. Dân làng Cỏ Ống vớt xác lên chôn cất và lập miếu thờ. Rồi khi quân Tây Sơn tấn công, chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Phú Quốc. Bà Phi Yến thoát ra được. Dân làng bèn làm cho một ngôi nhà gần mả Cậu. Giai thoại này giải thích câu ca dao: “Gió đưa cây Cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
 
 
Theo Đại Nam thực lục thì chúa Nguyễn Ánh có bị Tây Sơn vây ở đảo Côn Lôn như đã nêu trên, còn chuyện bà Phi Yến có lẽ là câu chuyện dân gian hư cấu.
 
3, Lịch sử phát triển của chùa Tam Bảo:
 
Lịch sử phát triển của chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng. Vì vậy chùa còn có tên gọi là chùa Ông Đồng.
 Năm 1915 ông vận động phật tử đóng góp, xây dựng lại ngôi chùa và đổi tên là chùa Tam Bảo. Ông là người có công trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Nhiều tượng Phật bằng gỗ quý được lưu giữ nguyên trạng đến ngày nay.
 
Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng Sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế, chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai…. Hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Hội.
 
Từ năm 1940, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân biến chùa Tam Bảo thành địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Tháng 6 năm 1941, do bị chỉ điểm, Pháp khám xét chùa, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Ân bị Pháp bắt. Ra Tòa Đại hình, Hòa thượng Trí Thiền bị kết án 5 năm đày Côn Đảo, Sư Thiện Ân bị kết án tử hình. Tại Côn Đảo, năm 1943, Hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và mất trong ngục.
 
Sau khi Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân bị bắt, chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới. Sau Cách mạng tháng 8, chùa mới được mở cửa lại. Tăng tín đồ Phật tử và nhân dân tổ chức một lễ cầu siêu lớn tại chùa để cầu nguyện cho Hòa thượng Trí Thiền, Sư và các đồng chí đã chết vì đạo pháp và dân tộc. Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân được truy nhận là liệt sĩ. Năm 1988, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ngoài Chùa Tam Bảo, Kiên Giang còn rất nhiều di tích lịch sử khác hấp dẫn. Nếu có du lịch Phú Quốc hay ghé qua Kiên Giang, bạn nhớ đừng bỏ qua việc khám phá các di tích lịch sử này nhé,.
 
 
Dulichvietnam
Sưu tầm