Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Để Mị kể cho nghe về quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Chủ nhật, 07/07/2019, 10:36 GMT+7
Suốt chặng đường dài từ Tà Xùa tới Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La nằm bên những thửa ruộng bậc thang cùng vô vàn ruộng ngô bạt ngàn xanh tươi, gợi lại ký ức sống động về quê hương “Vợ chồng A Phủ” qua tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài.

Đường tới quê hương “Vợ chồng A Phủ” thế nào?


Để Mị kể cho nghe về quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Đường về Hồng Ngài có thể đi theo 3 hướng:

Hướng 1: Từ Trạm Tấu, Yên Bái, chúng ta đi qua tỉnh lộ 112, nối Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến điểm giao với quốc lộ 37 thuộc Sơn La. Ưu điểm lớn nhất của hướng này bạn có thể kết hợp cùng hành trình săn mây, khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng, Tà Xùa.

Hướng 2: Từ thành phố Sơn La, bạn di chuyển ngược lại theo quốc 37 tới huyện Bắc Yên với quãng đường 80 km, chinh phục đèo Chẹn dài 20 km, dọc theo sông Đà hùng vĩ để tới Hồng Ngài, nơi quê hương “Vợ chồng A Phủ”.

Hướng 3: Một con đường khác, du khách có thể đi từ phía Mường Cơi, Phù Yên. Dù chạy từ phía nào để đến với Hồng Ngài, khách du lịch Tây Bắc cũng đều vượt qua những dãy núi trùng điệp với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng.

Giờ đây, Tà Xùa, Hang Chú, Xím Vàng hay Hồng Ngài, những danh xưng lạ mà quen đều đã có đường xe lên đến xã. Vùng cao Bắc Yên xanh mướt trong một màu xanh của ngô, táo mèo và cây chè.

Trên quê hương “Vợ chồng A Phủ”


Để Mị kể cho nghe về quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Đường vào Hồng Ngài đi bên núi bên đồi, cảm giác được bước vào quê hương “Vợ chồng A Phủ”, một trong những nhân vật văn học được nhà văn Tô Hoài xây dựng qua ngòi bút tài hoa và được giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa cấp THPT. Nhà văn Tô Hoài viết tác phẩm nổi tiếng này vào năm 1952, được xây dựng từ những nguyên mẫu có thật thời bấy giờ ở Tường Sơn, Châu Phù Yên (cũ) thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày nay.

Xã Hồng Ngài nằm giản dị giữa thung lũng ngát xanh giữa lòng Tây bắc. Vào Hồng Ngài, bạn nên nhờ dân bản chỉ đường lên thăm hang A Phủ, được xem là nơi vợ chồng A Phủ từng tránh sự truy lùng tàn bạo của cha con nhà Thống lý Pá Tra.

Để Mị kể cho nghe về quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Tham khảo: Ghé Hồng Ngài rồi, đừng quên Mộc Châu

Hồng Ngài hôm nay đã khác rất nhiều so với trước kia. Đến Hồng Ngài, khách du lịch có thể dạo quanh con đường bản nhỏ, ngắm nhìn từng mái nhà tường trình vững chãi và kiên cường. Không ít căn đã được xây mới nhưng vẫn mang dáng dấp truyền thống, có nhà bên vách đã phủ rêu phong càng tô đậm lên vẻ đẹp thời gian cùng gió sương, lạnh giá nơi núi rừng Tây bắc.

Dưới chân thung lũng ở  Hồng Ngài, thi thoảng chỉ còn vài người từ trên nương trở về. Hồng Ngài lại bắt đầu trở về trạng thái tĩnh tại, nguyên sơ của mình. Xa xa, những cột khói bếp lặng lẽ bốc lên cao, bản làng đang chuẩn bị cơm tối, mùi thơm được gió núi lan tỏa khắp muôn nơi, thực sự khiến du khách chẳng nỡ rời đi. Những dãy núi, ban ngày là màu xanh mát mắt, khi không còn ánh nắng rực rỡ, chúng chuyển dần sang màu tím thẫm, rồi màn đêm dần buông đẹp đến nao lòng.

Vào những ngày thu vàng tháng 8, tháng 9, bản Hồng Ngài quyến rũ du khách bởi hương thơm táo mèo, thoang thoảng khắp núi đồi, quyến luyến tít trên cành hoa trước ngõ hay trong mái tóc phất phơ em nhỏ đang tung tăng vui đùa. Khi mùa thu về, khách du lịch Hồng Ngài có thể mang theo lều để dựng trên triền núi, hòa mình giữa hương sắc quyến rũ của núi rừng Tây Bắc.

Để Mị kể cho nghe về quê hương “Vợ chồng A Phủ”

Đường từ Hồng Ngài sang Tà Xùa giờ đã trở nên dễ dàng hơn. Tà Xùa cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, cách huyện Bắc Yên 20 km, mờ ảo trong sương. Ít người biết, quãng đường ấy cũng là hành trình tìm về với ánh sáng của cách mạng của vợ chồng A Phủ khi xưa, dẫn lối đồng bào Tây bắc thoát khỏi màn đêm tăm tối của thế lực thần quyền, phong kiến, thực dân vùng cao.

Tới Hồng Ngài, người ta cảm nhận nơi này như thực sự bước ra từ tác phẩm văn học nổi danh một thời, khiến ai cũng lưu luyến. Đến Hồng Ngài, không chỉ đến với thiên nhiên xinh đẹp, bản làng mộng mơ, mà bạn còn được thưởng thức cái tình mến khách giản dị, ấm áp của dân làng. Đừng ngại Hồng Ngài xa, vì khi đến rồi, bạn sẽ cảm thấy, hành trình ấy cũng chính là khi bạn tìm về hồi ức một thời thanh xuân mộng mơ về nhân vật Mị, A Phủ và chợt nhận ra lỡ yêu mảnh đất dẻo cao Tây bắc này rồi!

Bắc Yên là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, cách trung tâm thành phố Sơn La 100 km về hướng Đông. Huyện có tự nhiên là 1.102,2 km². có 65.210) huyện có 16 xã và thị trấn, 152 bản và các tiểu khu.

Phía Bắc, Tây bắc giáp huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái); phía Nam và Đông nam giáp các huyện Mộc Châu, Yên Châu; phía Tây giáp huyện Mai Sơn; phía Đông giáp huyện Phù Yên. Huyện Bắc Yên (Sơn La) sở hữu đặc điểm địa hình và khí hậu đa dạng: độ cao trung bình so với mặt biển là 1.000m, có đỉnh Phusaphin cao 2.879m; địa hình chia cắt, nhiều núi cao, khe sâu, độ dốc lớn, 85% diện tích có độ dốc hơn 25°. Ngoài sông Đà chảy qua địa bàn, Bắc Yên còn có nhiều sông suối nhỏ khác có tiềm năng phong phú cho phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ. Hệ thống giao thông đường thuỷ thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, vận tải và hoạt động du lịch.
Hữu Phúc
Theo Báo Thể thao Việt Nam