Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Thiêng liêng đình Phong Phú

Thứ ba, 11/06/2019, 09:07 GMT+7
 Ngôi đình ẩn mình trong những hàng cây sao, cây dầu xanh rì trên khu đất 4,2 hecta, thuộc khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM. Không gian đình khá khép kín nhưng vẫn thu hút được sự chú ý của người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Bởi ngoài kiến trúc mang màu sắc tâm linh, đình còn mang sứ mệnh cách mạng cao cả.

Đình Phong Phú
 Chánh điện đình Phong Phú.
 
Theo tập sách Đình Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) của GS Hà Văn Tấn và nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự, thì đình được người dân làng Phong Phú xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng. Các họa tiết trang trí trên đình như long, lân, qui, phụng, bát tiên, cá hóa long... đều mang phong cách kiến trúc Nam bộ. Điểm đặc biệt của ngôi đình này so với những ngôi đình khác trong cả nước là thờ tượng không thờ vị (thờ tượng tròn). Thoạt đầu, đình lợp lá, vách ván, mái thấp. Đến năm 1937, đình được tu tạo với mái ngói âm dương, tường gạch.  Năm 1948, đình bị phá đi theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Vào năm 1952, đình được tái lập lần thứ nhất trên nền đất cũ. Năm 1969, đình tái lập lần thứ hai. Sau giải phóng năm 1975, đình được tu sửa hoàn chỉnh và vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
 
Trải qua những thăng trầm của đất nước, nhiều lần bị tổn thương vì bom đạn, đình vẫn an nhiên cùng thời gian. Kiến trúc của ngôi đình được bố trí cân đối, hài hòa với không gian ngoại cảnh. Đình Phong Phú có hai lớp cổng. Lớp cổng thứ nhất, có hai cửa tả-hữu, ở giữa tạc bia ông hổ. Lớp cổng thứ hai xây theo kiểm tam quan, chính giữa là tượng bạch mã. Sau tam quan là bàn thờ thần nông và hòn non bộ. Hai bên hòn non bộ có miếu ngũ hành nương nương và tượng ông hổ. Võ ca được đặt chính giữa đối diện với chính điện. Theo trục dọc công trình, chính giữa có tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp. Hai bên chính điện là nhà truyền thống và nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu. Bên trong đình tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Điểm đặc biệt của ngôi đình là bàn thờ lộ thiên được đặt phía trước miếu ngũ hành nương nương. Thời kháng chiến, nơi đây từng thắp nhang làm ám hiệu khi có quân địch xuất hiện.
 
Lễ Kỳ Yên, tức lễ cầu an, là lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm của những ngôi đình thần ở các tỉnh Nam bộ. Đây là lễ chính của đình Phong Phú, được diễn ra vào ngày 14 – 16/11 Âm lịch thường niên. Nếp sinh hoạt văn hóa này có từ rất lâu, ngay cả những người giữ đình đã nhiều lần hồi tưởng về ký ức vẫn không nhớ nổi. Hằng năm, cứ đến dịp lễ, hàng nghìn người dân địa phương nô nức đến đình. Mọi người tranh thủ thắp nén hương thành kính cầu an và tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng từng trú ngụ nơi này. Tiếng lành đồn xa, ngay cả du khách tận Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, miền Trung, thậm chí là miền Bắc cũng đến viếng đình một lần để mãn nhãn.
Hà Phan
Theo Báo Du Lịch