Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Rượu Bàu Đá - Đệ nhất tửu của đất võ Bình Định

Thứ tư, 10/07/2019, 15:10 GMT+7
Một trong những đặc sản của vùng đất võ chính là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá đã được một nhà thơ nổi tiếng phong là “Đệ nhất tửu” sau khi ông đến đây và được thưởng thức. 
 
Bàu Đá - Đệ nhất tửu của đất võ Bình Định

Rượu Bàu Đá được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Bàu Đá là tên của một bàu nước từ xa xưa, dân làng lấy để chưng cất rượu nên đặt tên là rượu Bàu Đá. Bàu nước cổ này ngày nay đã cạn nước, nguồn nước này chủ yếu để ủ men. Bây giờ người dân cất rượu chủ yếu lấy nước từ những mạch nước giếng của làng. 
 
Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa của con người đã tạo nên một thứ rượu đậm đà. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu cộng với kinh nghiệm gia truyền. 
 
Bàu Đá - Đệ nhất tửu của đất võ Bình Định

Nước ngọt được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm và sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng này đã tạo nên cái tên rượu Bàu Đá như một câu chuyện dân gian kể mãi theo thời gian. Khi xóm Bàu Đá nấu rượu và phát triển nghề rượu thì cái tên rượu Bàu Đá được khai sinh. Qua thời gian, xóm rượu Bàu Đá vẫn giữ nguyên công thức cổ truyền mà ông Hương Lễ Nghè đã dạy, từ việc chọn gạo đến kỹ thuật nấu, họ không dùng các loại men ở ngoài thị trường mà dùng một loại men bánh dân gian. 
 
Công đoạn nấu rất công phu, trong 6 tiếng, gạo lứt nấu một mẻ khoảng 5 kg thì được khoảng 4 lít rượu. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất, không được vội vàng, đun lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất của gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và mùi hương rượu bốc ra. Rượu có nồng độ rất cao, hơn 50 độ.
 
Bàu Đá - Đệ nhất tửu của đất võ Bình Định

Rượu Bàu Đá hoàn toàn được chưng cất bằng phương pháp thủ công nên có hương vị rất đặc biệt. Giờ đây, đã trở thành một thứ rượu nổi tiếng trong và ngoài nước, in dấu trong thơ ca, nhạc họa, trong giai thoại làng văn nghệ.
 
Thưởng thức rượu Bàu Đá cũng rất cầu kỳ, rượu đựng trong bầu, chai, nậm, phải rót ra bình gọi là ve vòi, vòi rượu quyết định vẻ đẹp của chén rượu. Chén rượu đầy đặn mà vẫn không tràn gọi là vun. Người thưởng thức thấy no nê bởi cái sống động của tăm rượu, nâng chén rượu ngang môi mà chưa uống vội để tận hưởng mùi thơm lan tỏa… nhấp nhẹ một chút vị giác lâng lâng, ngấm dần… ngũ quan thưởng rượu.
 
Bàu Đá - Đệ nhất tửu của đất võ Bình Định

Du khách đến Bình Định thưởng thưởng thức món chim mía chim sẻ, chim mía Tây Sơn,  nem Tuy Phước… nhâm nhi với chén rượu Bàu Đá thật là ngon miệng, thi vị. 
Y.T
Theo Báo Thể thao Việt Nam