Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Nón lá Chợ Đình

Thứ sáu, 01/06/2012, 09:32 GMT+7

Chợ Đình thuộc xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, nổi tiếng là nơi buôn bán khoai sắn và đặc biệt là nón lá.

test

Gọi là nón lá chợ Đình vì những chiếc nón được chằm bởi những người phụ nữ khéo tay khắp các thôn của xã Tịnh Bình và vùng lân cận, đều được đưa về bán tập trung Ở chợ Đình, rồi từ đó chuyển đi các chợ trong và ngoài tỉnh.

Theo những người cao tuổi, nghề chằm nón lá được phổ biến Ở Tịnh Bình vào khoảng cuối thế kỷ 19. Người dạy nghề đầu tiên là cụ Bính, quê Ở làng Hoài Phong, xã Tịnh Hiệp. Cụ Bính thích đi lại giao du, học được nghề từ phương xa, mang về dạy cho người làng.

Khoảng thập niên 30, người thợ chằm nón đẹp nhất làng Vĩnh Lộc là cụ Tuân đã mang sản phẩm đi dự đấu xảo Ở tỉnh thành Quảng Ngãi và được giải nhì. Nón lá chợ Đình nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếm lĩnh hàng nón các chợ trong tỉnh, đẩy lùi nón Huế, lấn lướt nón chợ Chùa (Quảng Nam), đi vào các tỉnh Ở phía Nam.

Cũng theo các bậc cao niên, trước đây Vĩnh Lộc là một làng nghề với gần như 100% số hộ làm nghề chằm nón. Ở các thôn khác, số hộ làm nghề này chiếm hơn một nửa. Từ những năm 60, chiến tranh tàn phá làng quê người thợ chằm nón tản mát đó đây nhưng vẫn mang theo nghề đi để kiếm cái nuôi sống bản thân và gia đình.

Sau ngày quê hương giải phóng, chợ Đình lại tụ hội đông vui, nghề chằm nón càng thịnh vượng. Chợ Đình không bán nón lẻ, vì dân Tịnh Bình nhà nào cũng có thể tự chằm nón để dùng. Những người buôn nón tụ về trước buổi chợ đông. Các gia đình chằm nón mang sẵn sản phẩm ra bán. Nón được đóng thành "cây" để vận chuyển đến bán Ở các chợ quê, chợ tỉnh.

Công cụ, nguyên liệu và các công đoạn chằm nón chợ Đình cũng giống như nón Nghệ, nón Huế hay nón Quảng Nam. Nguyên liệu là tre để vót tuyến (tức là những khung tròn bên trong nón) và lá cây nón thu hái từ rừng núi phía tây. Công cụ là bộ kèo gồm 20 rẽ, chiếc rựa vót tre, bộ đồ ủi lá và chiếc kim khâu.


Chuẩn bị chằm nón phải vót tuyến, ủi lá. Tiếp đến là đặt tuyến lên kèo, rồi bắt lá, chắp lá. "Chằm" là dùng kim khâu sợi cước cho thật đều để cố định lá trên khung tuyến. Chiếc nón thành hình khi đã được cắt bỏ phần lá thừa, chần hai vành tuyến cuối cùng, gọi là "nức".

Một chiếc nón đúng tiêu chuẩn phải có 20 tuyến (để rộng vành, khi đội mưa không rớt xuống vai) và chằm ba lớp lá. Hai lớp ngoài lá non vừa, lớp trong lá già hơn. Để nón thật bền, dùng lâu, người thợ phủ mặt ngoài mặt nón nhiều lớp dầu thông; bên trong kiềm bốn đố bằng tre; Ở đỉnh nón khâu ép một chóp sòi.

Nghề chằm nón vốn ít, chỉ dựa vào sự khéo tay, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình. Tịnh Bình là vùng "đất cát, đồng gieo", mùa mưa nước phong tỏa bốn bề, cả nhà xúm xít vào nghề chằm nón để "tích công làm lợi", kiếm thêm thu nhập, đắp đổi áo cơm.

Ngày trước, đến Tịnh Bình vào ban ngày, thấy nhà nào cũng phơi nón đầy sân. Ban đêm, các cô thiếu nữ mang khung nón đến sân nhà ai đó rộng rãi để vừa thoăn thoắt mũi chỉ đường kim, vừa hò hát với trai làng.

 

Sưu tầm
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc