Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam - nhà máy ở Chi Nê

Thứ bảy, 04/04/2015, 11:13 GMT+7
Chính từ nhà máy in tiền ở Chi Nê - Hòa Bình, “tờ bạc tài chính cụ Hồ” đã ra đời, vực dậy nền tài chính non yếu trong những năm đầu độc lập.
Vị trí: xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Đặc điểm: là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng.

Trong những năm đầu độc lập, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn về tài chính, ngân khố Quốc gia gần như là con số 0. Tháng 10/1945, đồng chí Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính được Trung ương chỉ đạo, điều hành toàn bộ việc chuẩn bị về việc in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước cách mạng tháng Tám 1945, cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là Nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô panh. Vào thời điểm bấy giờ, cả hai nhà máy in này lại đều do quân Tưởng và Pháp chiếm đóng. Trong lúc khó khăn đó, Chính quyền Cách mạng nhận được sự giúp đỡ của ông Đỗ Đình Thiện (1904-1972) - một nhà tư sản Việt Nam yêu nước, ông đã đứng tên và bỏ tiền túi ra để mua lại Nhà in Tô panh, hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền.
 
Nhà máy in tiền đầu tiên của nước ta

3/2/1946, những đồng tiền Việt Nam đầu tiên được in tại nhà máy in Tô panh ra đời và được tung đi khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ, nhưng chưa được bao lâu thì cơ sở in Tô panh bị lộ, quân địch luôn tìm cách phá hoại tại khu vực này. Tình huống khó khăn, cấp bách nên Bộ Tài chính quyết định sơ tán. Cũng chính lúc này, nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Lắp đặt xong Nhà máy in tiền, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Lúc đó, Nhà máy in tiền còn thô sơ, máy móc chưa hiện đại nên việc in tiền rất khó khăn. Đến tháng 4/1947, thực dân Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2, khu vực Đồn điền Chi Nê bị máy bay Pháp ném bom, tàn phá nghiêm trọng.

Ngày nay, tại Khu di tích lịch sử cách mạng nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật, biểu trưng trong một thời gian khó, nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cũng còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn lịch sử về hai chuyến thăm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào năm 2007, nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa, thể thao và du dịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
 
Dulichvietnam.com.vn
Sưu tầm