Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng

Thứ sáu, 22/03/2019, 09:26 GMT+7
Nằm bên bờ tả ngạn con sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, làng gốm Bát Tràng – một làng nghề thủ công truyền thống khoảng hơn 500 năm tuổi, dù trải qua bao biến thiên thăng trầm vẫn tồn tại với thời gian đến ngày hôm nay. Bát Tràng, thiên đường của đồ gốm, ngày qua ngày thanh bình, an yên cùng nếp nghề quý, cùng nét cổ kính giữa nhịp sống hối hả của thời hiện đại.

Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Cổ kính giữa dòng đời hối hả ở làng gốm Bát Tràng
 
Gốm Bát Tràng ngày nay không chỉ có mặt trên khắp mọi miền đất nước, mà các sản phẩm Bát Tràng còn xuất hiện cả ở nước ngoài. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi làm nên một thương hiệu mang tính quốc gia, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của thủ đô mà còn là một trong những điểm du lịch ở Hà Nội được nhiều người yêu thích.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Rong ruổi tìm hiểu về làng nghề (Ảnh: pun.booklover)
 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô, phủ Xuyên Yên, nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Ngẩn ngơ trước sắc màu của sản phẩm gốm Bát Tràng (Ảnh: Dương Hải Ly)

 Xem thêm: Tour du lịch Hà Nội
 
Đến Bạch Thổ Phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi có nguồn nguyên liệu quý để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Góc trời vẽ tên lưu niệm (Ảnh: hoalthuong)
 
Trải qua bao thăng trầm, có lúc hưng thịnh cũng có lúc yếu suy nhưng Bát Tràng vẫn giữ vững được nghề và có những nét độc đáo riêng biệt mà không thể lẫn vào đâu được.
 
Trước kia ở Bát Tràng có khoảng 20 chiếc lò bầu, nhưng đến nay chỉ còn duy nhất một chiếc đó là Lò Bầu cổ, nằm ở trung tâm xã Bát Tràng. Bởi vậy mà cơ sở gốm Lò Bầu cổ đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm cho nhiều du khách.
 

Cách đi đến Bát Tràng:
 

Bạn có thể di chuyển bằng xe bus, phương tiện này vừa tiện lợi chi phí lại thấp. Từ Hà Nội, bạn di chuyển ra bến trung chuyển Long Biên, rồi bắt xe số 47 để đến làng gốm Bát Tràng. Đâu đó bạn sẽ mất tầm 2 tiếng nhé.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Đường đến Bát Tràng rất dễ đi (Ảnh: Dương Hải Ly)

Hoặc bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô tùy thích. Để di chuyển, bạn qua cầu Chương Dương hoặc Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì rồi rẽ phải, đi men theo đê sông Hồng, cứ đi cho đến khi gặp biển báo làng gốm Bát Tràng thì đến nơi rồi đó. Tuy nhiên, khu vực đường đê thường nhiều xe container hay xe tải đi lại liên tục, bạn nên cân nhắc xe bus cho an toàn nhé.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Hòa mình giữa không gian cổ truyền thống (Ảnh: tohaturtle)

Bạn biết không? Để tạo ra được những sản phẩm gốm cao cấp, các nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ mà bước tiên quyết đầu tiên chính là chọn đất sét, tiếp đó là xử lý pha chế đất, phơi sấy và sửa hàng mộc.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Chăm chú xem người nghệ nhận ở xưởng gốm hướng dẫn (Ảnh: Dương Hải Ly)
 
Tạm thời dừng lại ở công đoạn 1, đến công đoạn 2 là trang trí hoa văn và phủ men bao gồm kỹ thuật vẽ, chế tạo men, tráng men, sửa hàng men. Chưa hết đâu, bước sang công đoạn 3 là nung gốm.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Tự tay trải nghiệm làm gốm (Ảnh: Dương Hải Ly)
 
Các nghệ nhân Bát Tràng thường đúc kết kinh nghiệm làm gốm trong câu “Nhất xương nhì da thứ ba đến lửa”.
 
Nếu có dịp ghé thăm Bát Tràng, bạn nên trực tiếp bắt tay vào làm gốm, quay đất và mang chính sản phẩm mình làm về nhà. Sẽ thú vị lắm đấy nhé.
 
Đã cất công đến đây thì đừng quên tham quan gia đình làng Bát Tràng nhé, hay lang thang dạo chợ gốm, bạn sẽ tròn xoe mắt trước các chủng loại, màu sắc gốm được bày bán ở chợ. Và điểm đến cuối cùng là nhà cổ Vạn Vân – top 10 nhà cổ đẹp nhất Việt Nam. 
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Những mái đình cổ vươn mình trong nắng (Ảnh: Dương Hải Ly)
 
Nhà cổ Vạn Vân nằm cuối làng với mái phủ kín cây xanh. Ở đây trưng bày hơn 400 món đồ gốm sứ cổ có từ thế kỷ 15. Vạn Vân có nghĩa là những áng mây lành hội tụ. Mà cũng đúng thật, Vạn Vân đang lưu giữ những sản phẩm tinh tế của các làng nghề, nhiều nhất là gốm sứ Bát Tràng.
 
Ngày rong ruổi ở làng gốm Bát Tràng
Ngồi dưới mái hiên ngôi nhà cổ (Ảnh: Dương Hải Ly)
 

Vài lưu ý nhỏ khi tham quan làng gốm:
 

Khi mua sắm trong chợ bạn nên mặc cả. Kiểm tra hàng trước khi ra khỏi shop, vì có thể có lẫn hàng lỗi, hàng kém chất lượng.
 
Đi lại trong chợ nên chú ý cẩn thận, sản phẩm gốm sứ sẽ được trưng bày tràn lan rất dễ đụng phải, nếu vô ý làm vỡ lại bị đền tiền.
 
Nếu mua các đồ lớn, cồng kềnh bạn nên nhờ chủ shop chuyển hàng về tận nhà, tránh tình trạng đồ bị vỡ trong công đoạn vận chuyển
 
Nếu có dự định đi mua đồ khác thì bạn nên mua đồ gốm sau cùng để đỡ phải cầm, vướng, đi chơi các điểm.
Hàn Hàn
Theo Báo Du lịch