Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Lễ hội Phủ Quảng Cung

Thứ tư, 18/03/2015, 13:23 GMT+7
Lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày giỗ của Mẫu Liễu Hạnh.
Thời gian: Từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm
Địa điểm: Tại Phủ Quảng Cung, thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Lễ hội Phủ Quảng Cung khai mạc đúng vào thời gian nông nhàn của bà con nông dân (ngày 3/3 âm lịch, ngày kỵ của Mẫu) nên các hoạt động lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Mở đầu là lễ rước Mẫu từ phủ Quảng Cung lên phủ Đồi cách đó chừng 4km. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng và các kiệu: Kiệu Mẫu Đệ Nhất phủ khăn màu đỏ, Mẫu Đệ Nhị màu xanh, Mẫu Đệ Tam màu trắng, phu kiệu cũng mặc theo màu như vậy nên đoàn rước trông rất trang nghiêm và đẹp mắt.
 
Hội Phủ Quảng Cung
Lễ rước Mẫu trong hội Phủ Quảng Cung
Tour du lịch Nam Định | Khách sạn Nam Định | Kinh nghiệm du lịch Nam Định
 
Sau lễ rước kiệu Mẫu xong là đến phần rước nước. Lễ rước nước trong lễ hội ở Nam Định này để thể hiện sự tôn kính của người dân địa phương đối với Thánh Mẫu. Đoàn người tham gia lễ rước nước náo nhiệt trong cờ rong trống thúc, kiệu trên vai thật náo nhiệt và hoành tráng. Đoàn xuất phát từ phủ Đồi đi đầu là một đội múa rồng, múa kỳ lân sư tử, với những điệu múa uyển chuyển điêu luyện, thân hình con vật khi múa: lúc cuồn cuộn như rồng bay, khi điệu đàng như phượng múa. Tiếp đó là đoàn người cờ quạt trong tay, phường bát âm, đội múa sênh tiền, bát bửu, tàn lọng…Rồi đến đội cấm vệ, oai phong vác xà mâu, kiếm, kích cùng các quan viên chức sắc trong làng. Nhìn từ xa cả đám rước như một con rồng khổng lồ uốn lượn trên đường làng.
 
  Lễ rước nước
Lễ rước nước hội Phủ Quảng Cung

Tại bến đò Vọng chuẩn bị sẵn 5 chiếc thuyền và 1 chiếc kiệu hoa được trang trí cờ hoa, trên đầu kiệu có gắn quả bầu khô tượng trưng cho việc lấy nước của Mẫu. Dụng cụ lấy nước gồm 2 muôi đồng và 1 chóe để đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Mẫu gồm 8 thiếu nữ khiêng xuống thuyền, 4 thuyền còn lại dùng để hộ tống. Sau khi các bô lão trong làng và ban tổ chức làm lễ ngay tại bờ xin Mẫu ra lấy nước, 5 thuyền cùng tiến ra giữa dòng lấy nước. Do đặc điểm của hai dòng chảy, sông Đáy từ thượng nguồn đổ về nên nước trong, sông Đào là nhánh của sông Hồng đổ ra nên nước đục. Thuyền tế phải chọn vị trí neo ở giữa dòng. Thủ nhang thận trọng múc nước vào chóe bằng sành và thả tiền vàng, thuyền quay nhiều vòng giữa sông sau đó mới vào bờ. Chóe nước thiêng được đặt trên kiệu Mẫu về phủ Quảng Cung. Tại Phủ, chóe nước được đặt tại nơi trang trọng. Khác với các “lễ rước nước” ở các địa phương, nước thiêng dùng để tắm tượng (hay còn gọi là lễ mộc dục), tại lễ hội Phủ Quảng Cung, tương truyền nước thiêng dùng để chữa bệnh cho nhân dân trong vùng cả năm.

Xem thêm: Tham quan vườn quốc gia Xuân Thủy           
                     
Du lịch Biển Thịnh Long


Hiện nay, lễ “rước nước” trong lễ hội Phủ Quảng Cung đang được chính quyền địa phương chỉ đạo, khôi phục. Lễ hội Phủ Quảng Cung trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, du lịch tâm linh thu hút ngày càng đông du khách thập phương về dự hội trong mùa du lịch lễ hội.

 
Dulichvietnam.com
Sưu tầm