Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Tết cổ truyền của người Việt xưa

Chủ nhật, 03/02/2019, 06:12 GMT+7
Quay đi ngoảnh lại, năm cũ trôi đi mất. Có những hoài niệm cũ kỹ mà người ta nhớ hoài, nhớ mãi. Vì là kỷ niệm, là thứ khó quay trở lại, nên người ta thấy đẹp. Rồi những ‘người ta’ đó với tóc bạc điểm sương, với con cháu cười nói vui nhà vui cửa, nhưng vẫn đau đáu ngóng hoài cái Tết xưa. 
Tết Nguyên Đán là lễ hội “bền vững” nhất của người Việt. Bao nhiêu lễ hội khác dần mai một cả đi, chỉ còn có Tết Nguyên Đán như niềm vui mà ai cũng mong ngóng. Vì đến Tết trẻ em được lì xì, được quần áo mới, người lớn thì thảnh thơi nghỉ ngơi. 


Không khí xuân về trên từng con phố

Xem thêm: Tour du lịch Hà Nội giá rẻ 

Những ngày còn ngoại, những ngày cận Tết Nguyên Đán sau khi dọn dẹp nhà cửa, chắc chắn phải có một buổi ‘trà bánh’ tình cảm mà nghe ngoại kể chuyện xưa. Ôi cái gốc Huế xưa, những bài học mà từ những người nằm xuống trở thành cổ phong, trở thành bài học và cách giáo dục con trẻ, không đơn thuần là chỉ kể cho vui. 


Những con ngõ vắng người khi Tết đến

Tết Nguyên Đán của ngoại là những ngày thảnh thơi vừa qua vụ đồng án. Chữ “Tết” do chữ “Tiết” mà thành. Hai chữ “Nguyên đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.


Chợ quê những ngày giáp Tết

Những cánh đồng lúa  thu hoạch xong, người ta bắt đầu lo cho Tết Nguyên Đán. Mùa cưới thường vào cuối năm có lẽ cũng từ đó mà ra. Khi hội đủ điều kiện, anh trai làng chỉ cần chọn ngày tốt mà qua dạm hỏi nhà cô gái. Cái đám ấy thường sẽ vui hơn, sung túc hơn. Nhà anh trai làng lại có thêm một người để cùng đón Tết. 


Hình ảnh đám cưới đầu xuân gây thương nhớ

Xem thêm: Khách sạn miền Bắc giá rẻ

Nhiều gia đình khác không cưới xin, thì cũng tất bật lo gạo, lo nếp, lo cho Tết Nguyên Đán đủ đầy với bà con họ mạc. Lũ trẻ con hẳn cũng được một bộ đồ bà ba mới, đứa nào cũng có vẻ chững chạc, tươm tất hơn, không lấm lem bùn đất như thường ngày. 


Bánh chưng đã được gói từ sớm

Vào đêm giao thừa, người lớn trong gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh chưng nhà sau. Cụ ông diện bộ áo dài đen thường đi lễ đình, ngồi trên bộ phản đặt ngay gian trước, mà ngắm nhìn cây mai, cây đào đầy những búp chờ sang năm mới là nở rộ ra ngay.
 

Đào trong phòng khách

Thời này mới có nhiều nhà vườn trồng sẵn mai, đào Tết. Chứ ngày trước, vào thời điểm cách Tết chừng ít tháng là mấy anh trai làng đã vội lên non, tìm ít cây về phần thì bán, phần thì trưng Tết Nguyên Đán. Đấy là mấy anh tranh nhau làm đẹp lòng người thương, và cũng chứng minh cái tài, cái đảm của mình. 


Chăm lan đợi Tết

Nhà nào có cây rồi thì để các cụ chăm. Cụ nào nho nhã ngoài đào, mai còn thêm thú chơi lan. Mai thì chỉ cần lặt lá, rồi còn lại là chờ thiên ý, xem tiết trời thế nào, chứ lan là phải chăm như con. Rồi cái đêm giao thừa ấy, mấy ông bạn văn lại hẹn nhau, thưởng lan ngâm thơ. Lỡ mà năm nào hoa lan trễ hẹn hoặc nở sớm, buổi họp mặt cuối năm của các cụ cũng bớt vui. 


Nồi bánh chưng chờ Tết

Tết Nguyên Đán ngày xưa không có pháo hoa ngợp trời đầy màu sắc, hay ca nhạc, hài kịch xuyên suốt đêm. Tết xưa ấy là quay quần, ấm áp là chia sẻ để hiểu lòng nhau hơn. Rồi sáng mùng một, tiếng pháo nổ đì đùng khắp nhà trên xóm dưới. Ông, bà ngồi trên phản, hoặc ghế lớn, mà chờ con cháu tới chúc xuân. Tiền lì xì cũng chỉ là vài đồng bạc nhỏ mà đứa bé nào cũng vui. 


Hình ảnh đẹp về đi chùa đầu năm 

Tết xưa dư âm có khi sang hẳn tháng hai, tháng ba, chứ Tết Nguyên Đán nay chừng mùng 2 là nghỉ khỏe. Chẳng cần phải chờ họp chợ, vì siêu thị luôn mở sẵn hàng. Nhiều tập tục cũng ‘quá độ’ trở nên buồn nhiều hơn vui. Thay vì lũ trẻ chơi đánh đáo, chơi ô ăn quan, thì chúng đếm tiền xem đứa nào thu hoạch khá hơn. Đấy là một chuyện nhỏ thôi, nhìn xa hơn sẽ thấy nhiều lễ nghĩa tốt đẹp dần mai một, nhiều truyền thống hay mà con cháu khẳng định là cổ hủ, rườm rà theo chân những người tóc bạc nằm xuống mà úa màu, phai nhạt với thời gian. 
Danh Bùi
Theo Báo Du Lịch