Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
Nhật Bản

Đền ngàn cổng Fushimi Inari

Thứ hai, 04/03/2019, 22:10 GMT+7
Nếu Hiroshima lôi cuốn bạn bởi bảo tàng kỷ niệm Hòa Bình, Nara nổi bật với chùa Todaiji. Thì khi đặt chân tới Kyoto xinh đẹp, Đền Fushimi Inari Taisha sẽ hút hồn bạn bởi sự độc nhất vô nhị của nó. Đừng bao giờ bỏ qua địa điểm lý thú này nhé!
Đền thờ Fushimi Inari Shrine nằm ở phía Nam Kyoto, là ngôi đền có nguồn gốc lâu đời, tồn tại ở đó từ rất lâu trước khi thủ đô Nhật Bản dời về Kyoto vào năm 794. Đây là ngôi đền quan trọng nhất trong số hàng ngàn ngôi đền dành riêng thờ thần Inari, vị thần lúa gạo của đạo Shinto. 
 
Đền thờ Fushimi Inari Shrine nằm ở phía Nam Kyoto
Đền thờ Fushimi Inari Shrine nằm ở phía Nam Kyoto

Theo truyền thuyết thì cáo chính là con vật truyền tin, được xem là sứ giả của thần Inari. Vì thế ngay khi bước vào cổng đền du khách sẽ nhìn thấy rất nhiều tượng cáo đeo khăn đỏ được đúc tạc tỉ mỉ với nhiều kích thước khác nhau. Tiêu biểu có tượng cáo gặm chiếc chìa khóa, cổ viền đỏ; tượng cáo thè lưỡi; đài phun nước hình con cáo và cả điện thờ cáo.
 
Cáo là biểu tượng linh thiêng trong các ngôi đền.
Cáo là biểu tượng linh thiêng trong các ngôi đền

Fushimi Inari là ngôi đền chính trong hệ thống gồm 32.000 đền thờ thần Inari trên khắp Nhật Bản nằm ở Fushimi-ku, Kyoto, Nhật Bản. 
 
Đền được xây dựng dưới chân núi Inari
Đền được xây dựng dưới chân núi Inari

Có một điều hết sức thú vị cần lưu ý là du khách cần phải làm lễ thanh tẩy trước khi bước vào ngôi đền chính của đền Fushimi Inari, có nghĩa là những ai muốn bước vào cổng đền thì cần phải rửa tay và rửa miệng ở ngoài cổng đền rồi mới được bước vào, đây được xem như là một quy định bắt buộc phải tuân theo.
 
Trước khi vào đền du khách phải rửa tay và rửa miệng ở ngoài cổng đền
Trước khi vào đền du khách phải rửa tay và rửa miệng ở ngoài cổng đền

Con đường dẫn đến ngôi đền được gọi là Senbon Torii nghĩa là “nghìn cổng Torii”. Torii là cổng trước mỗi ngôi đền thờ thần của Nhật Bản. Ước tính có đến hơn 10.000 cánh cổng Torii xếp dày đặc thành 2 hàng, dẫn từ chân núi Inari lên đến tận ngôi đền trên đỉnh núi. Những con đường này dẫn chúng ta đến với khu rừng rậm của ngọn núi Inari linh thiêng, ngọn núi cao 233 mét nằm trên đất của ngôi đền.
 
Con đường dẫn du khách lên đến khu rừng rậm của ngọn núi Inari
Con đường dẫn du khách lên đến khu rừng rậm của ngọn núi Inari

Tòa chính điện trong đền được xây dựng lại vào năm 1499 và được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của nước Nhật. Mọi nghi thức chiêm bái đều được thực hiện ở Okusha (đền thờ sâu bên trong), hay tên gọi chính thức là Oku-no-in. Du khách còn được trải nghiệm cảm giác nhấc viên đá Omokaru-ishi, nếu nhấc lên nhẹ chắc chắn điều ước sẽ thành hiện thực.
 
Điện chính của đền Fushimi Inari
Điện chính của đền Fushimi Inari

Ở ngay trên mỗi cổng là tên của các công ty và ngày tháng họ trao tặng những chiếc cổng Torii đó cho ngôi đền với niềm tin và hy vọng là sẽ mang lại may mắn, sự thành công cho công ty. Giá của mỗi cổng Torii này cũng không hề rẻ, cổng nhỏ có giá 400.000 yên và giá càng tăng dần theo kích cỡ, có thể lên đến 1 triệu yên.
 
Con đường ngàn cổng trông như một đường hầm bí ẩn
Con đường ngàn cổng trông như một đường hầm bí ẩn

Theo tín ngưỡng của người dân ở đây thì những chiếc cổng đỏ Torii là tượng trưng cho một mốc thời gian chuyển tiếp giữa thế giới phàm trần và cõi linh thiêng hay nói một cách khác đây chính là cửa ngõ đi vào thế giới của thần linh. Vì thế cổng đỏ Torii lần lượt được dựng lên, và đến tận bây giờ đã lên đến hơn 10.000 cổng, trở thành một nét đặc trưng rất riêng của ngôi đền Fushimi Inari huyền thoại.
 
Con đường dài 4m với những chiếc cổng đỏ Torii
Con đường dài 4m với những chiếc cổng đỏ Torii

Phần mái đền được sử dụng tone màu trầm đậm như đen, màu rêu và xanh đồng. Đèn lồng thắp sáng con đường vào những ngày ảm đạm. Điện thờ bằng đá, chạm khắc, thác nước và ao hồ tô điểm dọc theo những con đường, khiến những con đường mòn trở thành một nơi tuyệt vời để chụp ảnh.
 
Điện thờ bằng đá, chạm khắc, thác nước và ao hồ tô điểm dọc theo những con đường
Điện thờ bằng đá, chạm khắc, thác nước và ao hồ tô điểm dọc theo những con đường 

Mặc dù phần kiến trúc của điện thờ rất thu hút, nhưng du khách đến đây lại tò mò muốn khám phá cảnh vật xung quanh hơn. Đây cũng là nơi dành cho những người muốn tìm lại lịch sử hoặc những người hành hương muốn gửi lời cầu nguyện đến các vị thần Shinto.
 
Hàng ngàn chiếc cổng Torri nối tiếp nhau tạo nên con đường huyền thoại
Hàng ngàn chiếc cổng Torri nối tiếp nhau tạo nên con đường huyền thoại

Trên con đường đi du khách cũng sẽ bắt gặp được những ngôi đền thu nhỏ với những chiếc cổng Toria nhỏ nhắn được trao tặng bởi các công ty nhỏ hơn. Sau tầm 40- 45 phút đi lên, mật độ các cửa Torii cũng giảm dần, ở khoảng lưng chừng núi du khách sẽ bắt gặp đoạn giao Yotsutsuji, tại đây du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Kyoto, đoạn cắt này tạo thành một vòng tròn đến đỉnh núi. Nếu đến đây vào đoạn chập tối thì những chiếc đèn lồng sẽ được thắp sáng, đem đến cho khung cảnh một vẻ đẹp kỳ ảo.
 
Những chiếc cổng đỏ Torii đã làm cho cho du khách quên đi quãng đường dài mà họ phải đi qua
Những chiếc cổng đỏ Torii đã làm cho cho du khách quên đi quãng đường dài mà họ phải đi qua

Thời xưa, trước mỗi mùa vụ, nông dân ở khu vực cố đô Kyoto sẽ đến Fushimi Inari để cầu khấn cho mùa vụ được tươi tốt. Về sau, thần Inari còn được xem là vị thần may mắn mang đến sự giàu có và thành đạt. Đặc biệt khi nước Nhật vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế, trong dòng người đổ về ngôi đền huyền thoại này còn có rất nhiều doanh nhân giàu có và thành đạt.
 
Mọi người đổ xô về đền Fushimi Inari để cầu nguyện
Mọi người đổ xô về đền Fushimi Inari để cầu nguyện

Vào ngày Hatsu-uma trong tháng 2, đền thờ Fushimi Inari tiến hành nghi lễ Hatsu-uma-mode (có nghĩa là cầu phúc). Người đến viếng đền sẽ được phát cho một nhánh tuyết tùng nhỏ và nó được xem như bùa hộ mệnh giúp kinh doanh thịnh vượng, gia đạo bình an. 
 
Ngày Hatsu-uma trong tháng 2, đền thờ Fushimi Inari tiến hành nghi lễ Hatsu-uma-mode
Ngày Hatsu-uma trong tháng 2, đền thờ Fushimi Inari tiến hành nghi lễ Hatsu-uma-mode

Từ ngày Shinkosai (ngày chủ nhật gần ngày 20/4 nhất) đến ngày Kankosai (ngày 3/5), đền thờ sẽ tổ chức lễ hội Inari-matsuri - một lễ hội được lưu truyền từ thời Heian. Trong lễ hội này, 5 chiếc kiệu sẽ được khiêng đi vòng quanh khu vực sinh sống của những người dân là tín đồ của đền thờ.
 
Lễ hội Inari-matsuri
Lễ hội Inari-matsuri
Hồng Ánh
Theo Báo Du lịch