Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Hà Giang

Bánh đá Hà Giang - món ăn dân dã “cứng như đá” trở thành đặc sản bao người “săn lùng”

Thứ tư, 27/09/2023, 10:38 GMT+7
Bánh đá Hà Giang là món bánh dân dã của bà con vùng cao nhưng nay đã trở thành đặc sản “trứ danh” khiến bao du khách tò mò về món bánh “cứng như đá” này.
test

Giữa núi rừng Hà Giang, bà con nơi đây cũng đã có những cách bảo quản lương thực rất tuyệt vời khi không có tủ lạnh hay điện. Và điển hình nhất chính là bánh đá Hà Giang - món ăn đặc sản Lưa Khoải truyền thống ngày Tết của dân tộc Dao Áo dài. Cầm trong tay món bánh đá nhưng bạn đã biết cách chế biến, cách thưởng thức đúng chuẩn người rẻo cao hay chưa? Cùng dõi theo bài viết này nhé!
 

Bánh đá - món ăn độc đáo của vùng cao Hà Giang

Bánh đá Hà Giang là bánh gì? Thực chất, đây là loại bánh dân dã của người dân vùng núi cao. Bánh có kích thước to như viên gạch được bà con dân tộc Dao, dân tộc Nùng vứt dưới những con suối nhỏ gần nhà. Đó cũng chính là cách bảo quản lương thực được lâu hơn trong điều kiện chưa có điện.

 

Bánh đá Hà Giang - món ăn đặc sản của vùng caoBánh đá Hà Giang - món ăn đặc sản của vùng cao. Ảnh: Beecost.vn

Đến Hà Giang, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bánh đá Đồng Văn nổi tiếng với nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt như màu tím, màu trắng hay màu cam,... Món bánh “cứng như đá” này đã gắn liền với cuộc sống của người dân rẻo cao qua những ngày khó khăn, vất vả và giờ đây nó trở thành biểu trưng, đặc sản khi nhắc đến Hà Giang.

 

bánh đá Hà Giang có hình thù độc đáoĐộc đáo với món bánh đá Hà Giang. Ảnh: Nhật Thu

Hành trình “công phu” tạo ra món bánh dân dã - bánh đá Hà Giang

Để có được một món bánh ăn vặt với nhiều món ngon, phải khẳng định rằng người dân Hà Giang rất cần cù, siêng năng với quá trình công phu làm ra một chiếc bánh đá. Vậy bánh đá Hà Giang làm từ gì? Nguyên liệu chính tạo nên món ngon truyền thống này chính là những hạt ngọc trời - gạo tẻ.

 

Quá trình làm bánh đá Hà Giang hiện nayQuy trình làm bánh đá Hà Giang hiện nay. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Món bánh đá Hà Giang muốn thơm ngon thì ngay từ khâu chọn gạo tẻ cũng rất chỉn chu. Người dân tộc Dao Áo dài, người Nùng sau khi thu hoạch lúa chín đã “tuyển chọn” những hạt gạo thơm để ngâm với nước trong vòng 6 tiếng. Sau đó phơi khô rồi mới đem gạo đi xay, giã, giần và sàng mịn.

Và những chiếc bánh đá Đồng Văn đủ sắc màu mà bạn vẫn đang thưởng thức đó là nhờ màu tự nhiên từ các loại lá như lá dứa, lá cầm, hoa đậu biếc, nghệ hay gấc. Hơn nữa, với sự kết hợp cùng các loại lá, bánh đá cũng có hương vị thơm ngon hơn. Các loại lá sẽ được rửa sạch rồi ngâm 5-10 phút cùng nước muối loãng. Tùy từng loại lá, có lá thì giã để lọc lấy nước, có loại sẽ đun với nước để có được nước màu đẹp.

 

bánh đá Hà Giang nhiều màu sắcBánh đá với những màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Gạo tẻ trắng hoặc ngâm với các loại nước sẽ được bắc lên bếp hấp xôi trong 30-45 phút. Khi thấy bánh chín nở đều, mềm thì nặn nhanh và đều tay thành những bánh đá Hà Giang to như cục gạch, nặng khoảng 1kg. Nếu có hội chiêm ngưỡng người dân vùng cao làm những chiếc bánh đá, bạn sẽ thấy được hết sự khéo léo, dẻo dai của họ. Bởi lẽ, nếu tay nặn bánh chậm thì bột sẽ bị nguội, không có sự kết dính với nhau.

 

chiêm ngưỡng những chiếc bánh đá Hà GiangNhững chiếc bánh to như cục gạch nặng gần 1kg. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Và công đoạn cuối cùng chính là cho bánh ủ rơm theo cách truyền thống hoặc cho vào hộp. Khi nào bánh có mùi mốc bốc lên thì người dân mới đem bánh ra những con suối ngâm. Có thể thấy, hiếm có loại bánh nào lại có cách chế biến và bảo quản độc đáo như bánh đá Hà Giang

>> Xem thêm: Mèn mén Hà Giang, món 'cơm vàng' của người H'Mông

 

bánh đá Hà Giang được bảo quản tại các con suốiNhững con suối là nơi bảo quản bánh đá Hà Giang. Ảnh: Nhật Thu

Đến Đồng Văn, Hà Giang, nhất định phải thưởng thức món bánh cứng như đá này. Món bánh đá ngày càng được lan tỏa trở thành đặc sản của Đồng Văn.
 

Cách ăn bánh đá Hà Giang đúng chuẩn bà con dân tộc vùng cao

Thưởng thức bánh đá như nào mới đúng cách của bà con rẻo cao? Về với Hà Giang, bạn sẽ được lắng nghe câu chuyện bánh đá cực thú vị. Bánh đá sẽ được người dân vớt từ suối về nhà, trải qua thời gian cùng các yếu tố khác, bánh đá lúc này có vẻ bề ngoài đúng như một cục đá với rêu bao phủ. Vì thế, chúng ta cần phải dùng xơ mướp, bàn chải để chà, đánh sạch lớp rêu cho đến khi thấy màu trắng tinh của gạo.

 

bánh đá Hà Giang dù ăn như nào vẫn ngon tuyệtTùy vào khẩu vị mỗi người mà bánh đá được chế biến khác nhau. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Về cách ăn bánh đá, tùy vào khẩu vị từng người mà bạn sẽ có cách chế biến khác nhau. Có người thích ăn bánh đá như một món ăn vặt, có người lại rán ăn, có người thái sợi nhỏ ăn như bún, có người lại chế biến thành một món ăn ấm nóng cùng đường phèn và gừng hoặc có người lại lựa chọn nướng bánh đá cực thơm ngon. Có thể khẳng định, dù ăn bánh đá theo cách nào thì cũng mang lại những trải nghiệm tuyệt vời.

 

bánh đá Hà Giang rán cũng ngon nhức náchBánh đá ăn theo cách nào cũng rất ngon. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Bánh đá ngon nhất khi được nấu cùng gừng và đường phèn. Miếng bánh tưởng chừng cứng như đá cũng đã dẻo mềm, thấm đẫm gia vị ngọt, cay. Nếu những ngày cuối năm ghé thăm Hà Giang, dưới thời tiết lạnh giá của vùng cao, cùng ngồi lại thưởng thức bát canh bánh đá ấm nóng còn gì tuyệt hơn.
 

Nằm lòng cách chế biến bánh đá ngon bá cháy

Đặc sản bánh đá mua về làm quà, mua về thưởng thức tại gia, bạn có thể học ngay 3 cách chế biến cực đơn giản mà Du lịch Việt Nam giới thiệu sau đây đảm bảo ngon tụt lưỡi:


Bánh đá Hà Giang mắm

Với bánh đá Đồng Văn, bạn có thể chế biến gần giống món bún mắm cực ngon. Bánh đá thái thành những sợi nhỏ rồi luộc với nước để mềm, dẻo dai. Sau đó, chỉ cần trộn bánh đá cùng với các gia vị là mắm, ớt, chanh. Thưởng thức bánh đá mắm bạn sẽ cảm nhận được sự hài hòa của các gia vị ăn cực cuốn.

 

bánh đá Hà Giang ăn với mắmBánh đá có thể hấp chín rồi ăn kèm với mắm cực cuốn. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

 

Bánh đá chiên ăn vặt

Bánh đá chỉ cần thái thành các lát mỏng rồi chiên với dầu hoặc sử dụng nồi chiên không dầu. Vừa rán bạn sẽ vừa hít hà hương thơm của gạo dẻo vùng rẻo cao. Bánh đá lúc này sẽ giống như món bánh gạo cực ngon. Bánh đá chiên có thể chấm với tương ớt hoặc mắm chính là món ăn vặt chính hiệu của bao tín đồ bánh đá.

>> Có thể quan tâm: Kinh nghiệm du lịch Hà Giang từ A đến Z

 

bánh đá Hà Giang chiên giònBánh đá thái lát nướng giòn thơm nức mũi. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

 

Chế biến thắng dần từ bánh đá

Một món ăn nổi tiếng tại Hà Giang chính là thắng dền với bánh đá. Tại nhà, bạn cũng có thể tự nấu thắng dền bằng các bước đơn giản sau:

- Thái bánh đá thành sợi rồi đun với nước sôi

- Khi bánh mềm thì vớt ra bát

- Thắng nước đường rồi đổ nước, thêm gừng làm nước dùng

- Nước sôi rồi đổ nước đường vào bát có bánh đá, ăn kèm dừa sợi và lạc rang

 

Bánh đá Hà Giang nấu thắng dền cực ngonBánh đá Hà Giang nấu thắng dền cực ngon. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

 

chế biến bánh đá Hà Giang thành thắng dền cực ngonThắng dền ngon nhất ăn kèm lạc rang và dừa sợi. Ảnh: Bánh Đá Hà Giang

Ngoài ra, bánh đá còn được sử dụng để nấu nhiều món ngon khác như nấu tokbokki Hàn, nấu cùng thịt như bún hay bánh đa. Hay những bạn đang trong chế độ ăn healthy, bánh đá Hà Giang quả là lựa chọn tuyệt vời. Bánh đá có thể ăn thay cơm với cách nướng hoặc trộn cùng rau đảm bảo đủ dinh dưỡng mà không tăng cân.

>> Tham khảo ngay: Hơn 100 tour du lịch trong nước và quốc tế hấp dẫn

Có thể thấy, bánh đá Hà Giang đến nay vẫn là món ăn dân dã của bà con vùng cao. Và chính điều này cũng thấy được sự gìn giữ nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc Nùng, dân tộc Dao Áo dài. Về với Hà Giang, nhất định thưởng thức và có thể lựa chọn bánh đá làm quà cực lý tưởng.

Linh Meo

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc
CÁC TIN CÙNG CHUYÊN MỤC