Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Mông Cổ

Cùng người Mông Cổ đón Tết Tsagaan Sar truyền thống trên thảo nguyên

Thứ sáu, 01/02/2019, 05:50 GMT+7
Là một trong số ít những quốc gia sẽ cùng Việt Nam đón tết Âm Lịch tới đây, Dulichvietnam muốn bạn hãy cùng khám phá một số phong tục và cách người Mông Cổ đón chào lễ hội lớn nhất trong năm đang đếm ngược đến từng ngày. 
Giống như người Việt, Tết âm lịch là Tết trọng đại nhất của người Mông Cổ. Lịch Tết của Mông Cổ cũng thường trùng với Tết Việt Nam. Tết cũng là ngày để các thành viên trong gia đình sum họp, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và người Mông Cổ cũng coi Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất. Người Mông Cổ gọi Tết là Tsagaan Sar tức lễ hội Bạch Nguyệt.
 

Bức tranh về một gia đình làm bánh buzz trước Tết

Xem thêm: Tour du lịch Châu Á giá rẻ 

Mọi người sửa soạn cho Tết Tsagaan Sar từ nhiều tuần trước khi bắt đầu tổ chức các lễ hội. Mỗi gia đình phải chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh nhân thịt cừu gọi là buuz, một món ăn truyền thống dịp năm mới của người Mông Cổ. 


Bánh buuz lên măm nhìn như bánh bao thu nhỏ

Bánh buuz được tiêu thụ nhiều không kém gì bánh chưng ở Việt Nam. Bánh phải do chủ nhà làm mới thể hiện được lòng hiếu khách. Thường mỗi dịp Tết Tsagaan Sar, mỗi gia đình ở Mông Cổ ‘tiêu’ hết khoảng 5 đến 10 ngàn cái bánh buzz. 


Đến nhà chơi là phải mang bánh về

Bánh buuz là loại bánh như bánh bao, to khoảng ba ngón tay, có vỏ bằng bột mì nhưng nhân toàn là thịt cừu. Mỗi người khách đến chơi nhà dịp Tết Tsagaan Sar đều được chủ nhà mời “tráng miệng” bằng một đĩa hàng chục cái buuz, hết lại lấy thêm. Chưa kể chủ nhà còn gói bánh chưa hấp cho khách đem về làm quà Tết. 

Trang phục truyền thống của người Mông Cổ dịp Tết

Các thành viên trong gia đình còn sắm sửa quần áo đẹp để diện đi chơi, dân du cư thì chuẩn bị những con ngựa tốt để di chuyển trong suốt các lễ hội. Ngày thường bận sau cũng được, nhưng Tết Tsagaan Sar phải ăn bận theo đúng truyền thống. 


Ra ngoài tụ họp vẫn phải truyền thống

Xem thêm: Khách sạn Mông Cổ giá rẻ

Vào dịp Tết Tsagaan Sar, quần áo và đồ trang sức của người Mông Cổ khá phức tạp, nhiều màu sắc, bao gồm: Áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí. Các thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau sẽ có những dấu hiệu khác biệt trong thời trang của họ. 

Chỉ cần nhìn sơ qua hình dạng và chất liệu vải, mà người Mông Cổ có thể đoán ra khách đến từ vùng nào, bao nhiêu tuổi, thuộc bộ tộc nào và tình trạng hôn nhân. 


Một buổi liên hoan cuối năm của người Mông Cổ

Ngày ngay trước Tết Tsagaan Sar gọi là Bituun. Suốt ngày hôm đó, người Mông Cổ lau dọn mọi ngóc ngách trong nhà, từ trên xuống dưới. Những người chăn nuôi thì dọn dẹp chuồng trại. Ngoài ra, họ còn đặt ba viên đá lạnh bên ngoài cửa nhà để thần ngựa Palden Lhamo uống khi tới thăm. Suốt đêm đó, các gia đình tổ chức ăn uống linh đình với rất nhiều món ngon.


Đô vật truyền thống Mông Cổ dịp Tết

Thay vì xem Táo Quân như ở Việt Nam, người Mông Cổ sẽ xem những trận đấu vật cổ truyền được chiếu trên ti vi vào đêm giao thừa. Mọi người trong nhà có thể chơi bài với nhau, người thắng sẽ gặp may mắn cả năm. Ngoài ra, họ còn trả hết nợ nần, giảng hòa với nhau để bắt đầu một năm mới an lành.


Đùi bò, cừu một phần không thể thiếu trong mâm cỗ

Măm cỗ tất niên của người Việt có gà cúng, thì người Mông Cổ phải có đùi bò hoặc đùi cừu. Sau khi ăn thịt, chủ nhà hay người được kính trọng nhất trong gia đình phải đập xương đùi đó ra, lấy tủy chia cho mỗi người một miếng.


Người cao tuổi trong gia đình ngồi ghế chính

Nếu những người này đã già yếu, thì con trưởng phải làm thay. Lúc đập xương lấy tủy, mọi người phải đồng thanh: ‘Hãy cởi bỏ hết sự bí bách, thù hận, xích mích trong lòng; hãy xóa đi những rủi ro, không may mắn; hãy mang đến sự hanh thông trong năm mới’.

Ngoài nghi lễ này thì Giao thừa phải nổi lửa rán một loại bánh bất kỳ để có lửa, có khói, có mùi nhằm xua đuổi tà ma.
 

Sữa cúng thần được gia chủ chuẩn bị trước

Buổi sáng ngày Tết Tsagaan Sar đầu tiên, gia chủ mang trà và sữa tới cho các thần bằng cách rắc ra khắp hướng. Sau đó, mọi người bắt đầu đi chúc năm mới lẫn nhau, họ đứng trước nhà mình và thực hiện một số nghi lễ truyền thống.
 

Đàn cổ truyền chào khách trong dịp năm mới

Suốt hai ngày tiếp sau, người Mông Cổ tới thăm các gia đình họ hàng. Trong một ngày họ có thể đi tới 10 gia đình khác và mỗi lần thăm là một lần làm lễ. Nơi đầu tiên họ tới luôn là nhà của người già nhất trong họ.

Lễ hội xuân của người Mông Cổ

Ngoài ra, vào dịp Tết Tsagaan Sar, người Mông Cổ cũng như người Việt, thường tổ chức nhiều lễ hội gắn liền với các hoạt động trong cuộc sống thường ngày như đua ngựa, bắn cung...
 
Danh Bùi
Theo Báo Du Lịch