Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Lễ hội Lồng Tồng xã Bằng Vân

Thứ ba, 17/03/2015, 09:22 GMT+7
Lễ hội Lồng Tồng Bằng Vân, huyện Ngân Sơn được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Cùng Du Lịch Việt Nam khám phá nét độc đáo của lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Cạn này.
Hoạt động văn hóa lễ hội ở Bắc Cạn luôn luôn thu hút sự chú ý của du khách thập phương đến tham quan điểm du lịch Bắc Cạn trải nghiệm những điều thú vị của lễ hội Lồng Tồng. Đã thành lệ, vào ngày mười lăm tháng giêng âm lịch hằng năm, khi trời đất còn căng tràn sức xuân, hàng nghìn du khách khắp nơi lại tụ hội về Bằng Vân (Ngân Sơn) để cùng hòa mình vào hội Lồng Tồng nơi đây.

Nghi thức rước cỗ mời thần linh
Nghi thức rước cỗ mời thần linh

Lễ hội Lồng Tồng thường bắt đầu bằng phần thắp hương, dâng lễ ở miếu thờ tại thôn Cốc Lải, sau đó rước cỗ mời thần linh về sân khấu chính của lễ hội với sự tham gia của các thành viên Ban tổ chức, đại diện các dòng họ và toàn thể nhân dân trong xã. Mâm cỗ dâng lên các vị thần linh bao gồm: Xôi, gà, nải chuối, chai rượu cùng những bánh trái đặc trưng của địa phương. Lễ dâng hương tại miếu thờ này là truyền thống lâu đời của bà con nhân dân xã Bằng Vân mỗi dịp Tết đến, xuân về nhằm tạ ơn trời đất và các vị thần linh, thổ địa, thành hoàng trong vùng đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành, đồng thời trình báo các vị thần linh phù hộ che chở cho dân làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Xem thêm:  Hồ Ba Bể Bắc Cạn
                      Thác Nà Khoang Bắc Cạn


Những ngày đầu xuân, già trẻ trong bản ai nấy đều háo hức chuẩn bị cho nghi lễ đặc biệt quan trọng này. Cơ sở vật chất tổ chức lễ hội Lồng Tồng đều do dân trong thôn đóng góp tạo dựng: Một cái Lườn nghè (miếu thờ Thành Hoàng) có họ tên cụ thể, khoảng 24m2 trên núi đồi. Ngôi Lườn nghè phải dựng trước Tết Nguyên đán ít nhất hai tháng, rồi mời một pháp sư thầy hay then, pụt, tào đến làm lễ an mời thần Thành Hoàng xưa trở lại để con họ thờ thực hiện văn hóa tâm linh trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời gọi mời hồn các liệt sĩ là người trong thôn bản đã hy sinh trong kháng chiến cứu nước của dân tộc lên thờ. Thông qua lễ hội để giáo dục, xây dựng con người mới có đạo đức cao thượng, gìn giữ bản sắc văn hóa tới mai sau.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, tiếng trống khai hội vang lên, truyền thêm niềm tin, sức mạnh cho con người nơi đây để nhân dân thi đua sản xuất, gop phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp. Sau đó, du khách sẽ được hòa mình trong các trò chơi dân gian vốn là cái "hồn" của lễ hội, các trò chơi này mỗi năm chỉ có một lần, luôn có sự tham gia của thế hệ mới lớn nên không hề nhàm chán, ngược lại luôn thu hút ngày một đông lượng khách du lịch cũng như người dân bản địa tham gia.

Trò chơi tung còn thu hút nhiều nam nữ thanh niên tham gia
Trò chơi tung còn thu hút nhiều nam nữ thanh niên tham gia

Đặc biệt là du khách còn được thưởng thức những câu sli, câu lượn, câu then mộc mạc mà sâu lắng của chính những người dân lao động trong địa phương. Nhiều nét văn hóa truyền thống được khôi phục, giữ gìn và phát huy.

Khi tham gia vào các trò chơi và cổ vũ đã thấm mệt, mọi người tìm đến các quán ăn để thưởng thức những sản vật ngon của địa phương, ngắm cảnh vật hữu tình, để rồi bâng khuâng tiếc nuối khi phải giã hội trong buổi chiều tà. Chia tay Bằng Vân, chia tay hội Lồng Tồng, xin hẹn vào mùa xuân sang năm.
 
Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Cạn tham gia lễ hội du khách sẽ có được những trải nghiệm thú vị khó quên, được hòa mình vào với không khí vui tươi của người dân tộc Tày, đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ của du khách khi đi du lịch Bắc Cạn
Dulichvietnam.com.vn
Sưu tầm