Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu

Thứ sáu, 01/02/2013, 11:18 GMT+7

Hoa luôn là biểu tượng của cái đẹp, của niềm tin, hy vọng và tình yêu. Hoa đã đi vào tâm hồn con người bằng mọi nẻo đường: tình yêu, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ.

test

> Hoa anh đào rợp sắc giữa trời Sapa
> Hà Nội - mười hai tháng hoa

 

Con người thưởng thức hoa không chỉ ở sắc màu và hương thơm, mà còn ở những giá trị tinh thần như tình cảm sâu lắng và tinh tế nhất mà con người đã gửi gắm cho hoa.
 

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu

 

Hoa đẹp, thơ hay
 

Ông cha ta thường nói “Đẹp như hoa”. Những gì đẹp được gọi là hoa và trong tất cả các vẻ đẹp trên thế gian này, chỉ có con người là đẹp nhất, đẹp cả tâm hồn lẫn thể chất, cho nên mới có câu “Người ta là hoa của đất”.


Nói đến hoa, chúng ta thường liên tưởng đến những phẩm chất cao quý của con người. Vì thế, hoa thơm cỏ lạ luôn hiện diện trong thơ ca nhằm thể hiện đời sống tinh thần, tình cảm và thẩm mỹ của người làm thơ. Ca dao Việt Nam có câu:


“Hoa chi thơm lạ thơm lùng
Thơm cây, thơm rễ, người trồng cũng thơm.”


Bác Hồ có lần còn cảm nhận được từ hoa sự thông cảm với con người bị áp bức:
“Hương hoa bay thắm vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình.”

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu


Hoa không những đẹp, mà còn là thiên sứ của tình yêu, là sứ giả của hòa bình. Có một nhà văn đã viết “Ai cầm hoa hồng tặng cho người khác, tay mình sẽ thơm lây”. Chính hoa đã làm thăng hoa cho cuộc sống vì trong hoa đã có tình, trong hương đã có ý:


“Tóc em dài em cài hoa lý
Miệng em cười hữu ý anh thương.”

 

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu
Hoa sen và hương thơm tinh khiết cùng vẻ đẹp tao nhã của nó luôn hấp dẫn lòng người.


Có lẽ chỉ những người tinh tế và lịch lãm như ông cha ta mới cảm nhận được sự huyền diệu của hoa như thế! Đến đời con cháu, chúng ta cũng biết dùng thơ ca và mượn hoa để bày tỏ những cung bậc của tình yêu, chẳng hạn trong cuộc kháng chiến giải phóng hoàn toàn đất nước, có chàng trai Nam bộ khéo khen người mình yêu bằng câu thơ:


“Em là con gái Tháp Mười
Vai mang khẩu súng, miệng cười bông sen.”

 

> Hoa Sen Tháp Mười

 

Tết về, hoa trên đường phố, hoa trong lòng người


Đất nước và con người Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng rừng núi bạt ngàn làm ngây ngất du khách với biết bao kỳ hoa dị thảo mà mỗi loài đều có sắc thái riêng, vẻ đẹp và ý nghĩa riêng.
Chính sự giàu có của hoa đã làm cho cuộc sống con người Việt Namphong phú hơn, hài hòa và ý nhị hơn.

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu
Hoa Mai nở rộ.


Nếu hoa mai, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, của niềm tin và hy vọng (Tin xuân đến ngọn cây đào / Báo cho hoa biết ra chào đón xuân) thì hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, hoa lan biểu thị nét thanh cao thuần khiết, hoa sen tượng trưng cho tâm hồn Việt Nam.


Mỗi loài hoa, hương hoa có một sắc thái biểu cảm riêng tùy theo thời khắc: hoa bưởi man mác lúc đêm về, hoa nguyệt quế thơm lừng khi sương xuống, còn hoa quỳnh chỉ thoảng hương thơm giữa đêm khuya thanh vắng…

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu
Hoa đào ngày xuân.


Mỗi độ xuân về là trăm hoa lại đua nở, khoe sắc, tỏa hương. Dân tộc ta có truyền thống yêu hoa, tặng hoa, chưng hoa và dùng hoa để cúng thánh thần. Lịch sử còn ghi lại nhiều vườn ngự uyển nổi tiếng dưới đời Lý, Lê, Trần và trong phủ chúa Trịnh.


Nước ta từng có vị vua hào phóng, say mê nghệ thuật cây cảnh như Trần Anh Tông, có Cao Bá Quát cả một đời ngang dọc nhưng luôn kính cẩn nghiêng mình trước hoa mai “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”. Sử sách lưu rằng khi quyết định từ nghiệp quan, Nguyễn Trãi chọn Côn Sơn làm bạn với hoa, còn Trương Hán Siêu lên núi Non Nước trồng cúc.


Hiện nay, tại Côn Sơn vẫn còn đó những cây hoa đại đã trồng từ thời Nguyễn Trãi, luôn giữ vững một nét đẹp vô cùng cổ kính. Mới thấy mối quan hệ giữa người và hoa thân thiết biết dường nào!

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu


Ngày nay, phát triển ngành hoa kiểng là một hoạt động văn hóa gắn liền với kinh tế – xã hội. Thú chơi hoa, trồng hoa đã có từ lâu đời và ngày càng được xã hội quan tâm vì hoa kiểng không những làm nâng tầm cao sang, lịch sự, mà còn là thể hiện nội tâm phong phú và đặc sắc của người trồng cây, chăm hoa, đồng thời là chất thơ kích thích con người phát triển nhân cách và vươn tới cái Chân – Thiện – Mỹ.


Bạn bè nước ngoài đến thăm Việt Nam đều có cảm nhận rằng đó là một đất nước đầy hoa, hoa trên đường phố và hoa trong lòng người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng mỗi khi tìm chỗ ở, Bác Hồ luôn luôn chọn những nơi có suối trong bên cạnh núi cao, những nơi sơn thủy hữu tình.

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu


Nhà văn Cuba Rodriguez đã viết cảm nhận của mình về Bác Hồ: “Tôi được biết có hai điều Bác Hồ ưa thích. Đó là hoa kiểng và tiếng chim hót” (theo sách Thú chơi hoa cảnh Non bộ của Phan Kế – 1995).


Chỉ có những con người nhạy cảm với cái đẹp, những tâm hồn phóng khoáng mới cảm nhận được cái đẹp của trời đất và cái đẹp của mối quan hệ giữa cỏ cây hoa lá với tình người như thế.


Chị Võ Thị Sáu trước khi lên máy chém còn sửa lại mái tóc và cài một đóa hoa lên đầu. Anh bộ đội Cụ Hồ trong lúc đối đầu với cái sống và cái chết vẫn có “hoa trên đầu súng”. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đôi mắt đã mù lòa, nhưng khi nghe hương mai đã cảm nhận ngay ra ngày tết:


“Hữu tình thay ngọn gió Đông
Cành mai nở nhụy lá tòng reo vang.”

Việt Nam – Miền đất của hoa và tình yêu


Trong đêm khai mạc lễ hội Sa Pa 100 năm, ban tổ chức đã cử trăm thiếu nữ mang trăm bó hoa rừng xuân sắc đem tặng cho các đại biểu. Nghĩa cử đó thật văn hóa, cũng thật trang trọng.


Thơ ca, âm nhạc và hoa đã làm cho cuộc sống con người hài hòa, tốt đẹp hơn. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa.


Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến từ hoa cả trăm lần. Đại thi hào còn dùng các khái niệm gót sen, nét hoa, trướng hoa, thềm hoa, kiệu hoa… để nâng lên vẻ quý phái và nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Á Đông.


Hoa là tinh anh của đất trời, hoa vừa làm đẹp cho đời, vừa biểu hiện một triết lý. Khi ngắm hoa, tâm hồn chúng ta trở nên lạc quan hơn, những điều tốt đẹp hiển hiện nhiều hơn, đồng thời những suy nghĩ tiêu cực giảm hẳn đi.


Thiên nhiên Việt Nam vốn đã giàu đẹp, trong đó có muôn vàn loài hoa thơm cỏ lạ, bốn mùa rực rỡ xinh tươi và nhờ có bàn tay lao động sáng tạo của con người, cảnh vật ngày càng đẹp hơn.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc