Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Về An Giang, đừng quên thưởng thức món gỏi sầu đâu "vạn người mê"

Thứ bảy, 22/12/2018, 23:38 GMT+7
An Giang vùng đất giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau của người Kinh, người Khmer, người Việt, người Hoa… Chính sự đa dạng này đã góp phần làm cho nền ẩm thực xứ An Giang thêm phần độc đáo. Trong đó, món ăn được nhiều du khách biết tới nhiều nhất, đó chính là món gỏi sầu đâu “vạn người mê”.

Sầu đâu một loại cây hoang dã, mọc nhiều ở vùng đất An Giang, Kiên Giang. Đặc tính của loài cây này không kén đất. Lá cây có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn, đặc biệt có hương thơm. 

Lá và hoa sầu đâu - loài cây hoang dại mọc nhiều ở An Giang
Lá và hoa sầu đâu - loài cây hoang dại mọc nhiều ở An Giang

Hàng năm, từ tháng 11 tới tháng 3 âm lịch, mùa sầu đâu đơm bông thay lá. Những lúc này, người con phương Nam lại tất bật đi hái hoa và lá sầu đâu. Món ăn này có nguồn gốc xuất xứ từ Campuchia, được du nhập vào Việt Nam qua người Khmer sống ở vùng biên giới. 

Với những nguyên liệu dễ tìm, ngoài "linh hồn" của món gỏi là sầu đâu thì còn có tôm, thịt, xoài sống, dưa leo… Đĩa gỏi sầu đâu rất hấp dẫn và bắt mắt làm cho bao lữ khách phương xa phải “yêu” ngay cái nhìn lần đầu. 

Nhìn thoạt lần đầu cứ ngỡ món ăn này rất phức tạp, nhưng thực sự rất đơn giản trong cách chế biến. Lá và hoa sầu đầu sau khi hái được trụng qua nước sôi để làm giảm vị đắng vốn có. Còn không thì người dân nơi đây sẽ rửa thật sạch, để ráo nước. Dưa leo, xoài sống… được rửa sạch bằng nước muối rồi thái thành từng sợi. Thịt ba chỉ luộc chín, thái mỏng, tôm luộc chín, bóc vỏ.

Nguyên liệu cho món gỏi sầu đâu của người An Giang
Nguyên liệu cho món gỏi sầu đâu của người An Giang


Còn một loại gia vị để tăng thêm món ăn đó chính là đậu phộng rang giã nhỏ. Muốn đổi khẩu vị mới, lạ, người dân An Giang còn biến tấu thay thế tôm, thịt ba chỉ thành khô cá lóc hay cá sặc.

Ngoài gỏi sầu đâu truyền thống tôm, thịt, người An Giang còn biến tấu thành gỏi sầu đâu khô cá sặc
Ngoài gỏi sầu đâu truyền thống tôm, thịt, người An Giang còn biến tấu thành gỏi sầu đâu khô cá sặc 

Điểm nhấn đặc biệt tạo nên “thương hiệu” cho món gỏi sầu đâu An Giang này là phần nước mắm me. Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân An Giang, đã công phu chế biến loại nước chấm “thần thánh” này. Me được nấu cho rã ra, chắt lấy nước cốt, trộn cùng với nước mắm, thêm chút tỏi cùng với ớt băm nhuyễn để tăng hương vị. Trộn đều hỗn hợp, nêm nếm sao cho đạt độ đậm đà, một chút chua của me, cay của ớt, vị nồng của tỏi, kích thích vị giác.

Những nguyên liệu cần thiết để pha chế nước chấm "thần thánh" cho món gỏi này
Những nguyên liệu cần thiết để pha chế nước chấm "thần thánh" cho món gỏi này


Lần đầu được thưởng thức món ăn này, nhiều du khách không quen, cảm thấy vị đắng nhẹ của lá và hoa sầu đâu. Nhưng khi mà lần lượt đưa miếng gỏi vào miệng, nhai và thưởng thức, nhiều hương vị hòa lẫn vào nhau. Vị ngọt, chua của nước chấm cùng chút giòn từ tôm, vị ngọt từ thịt… tất cả tạo nên một sức hút cho món ăn. Món ăn này làm cho nhiều thực khách ăn một lần để rồi nhớ mãi về sau. 

Thưởng thức món gỏi sầu đâu lữ khách phương xa nhớ mãi hương vị đặc biệt này
Thưởng thức món gỏi sầu đâu lữ khách phương xa nhớ mãi hương vị đặc biệt này

Món gỏi sầu đâu của người An Giang không chỉ là món ăn mà còn là một vị thuốc bổ cho cơ thể, giúp chữa giun rất tốt. Lá và hoa sầu đâu có thể ép lấy nước chữa các bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng…

Một lần về An Giang thưởng thức món gỏi sầu đâu để rồi lưu luyến mãi về sau. Vậy còn chần chừ gì mà không lên kế hoạch nghỉ Tết Dương Lịch 2019 ghé thăm mảnh đất An Giang này để có cơ hội nếm thử món ăn đặc sản nổi tiếng này.
Tâm Tâm
Theo Báo Du Lịch