Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Những ngôi chùa bị "xóa sổ" ở VN

Thứ sáu, 06/09/2013, 08:59 GMT+7
Đó là những ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, vì nhiều lý do đã bị phá hủy hoàn toàn và không được khôi phục trở lại.
test

Chùa Dạm - đại danh lam thời Lý

Chùa Dạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, còn có các tên khác là chùa Rạm, chùa Bà Tấm, chùa Cao… nằm trên núi Dạm, xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương (nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ngôi chùa này nổi tiếng là một đại danh lam từ thời Lý.

Theo sử sách, năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa, đến năm 1097 chùa mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh. Năm 1105, ba tháp đá bề thế được xây dựng ở chùa.

Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô, lớn nhất vào thời Lê Trung Hưng. Sự bề thế của chùa đến nay vẫn còn được dân gian lưu truyền qua bài vè: “Mười năm trăng náu/Mười sáu trăng treo/Mười bảy phẩy giường chiếu/Mười tám đóng cửa chùa Dạm”.

Trải qua biến thiên lịch sử, chùa nhiều lần bị phá hoại và không còn giữ được dáng vóc của thời kỳ hoàng kim. Vào những năm 1946-1947, khi quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến. Theo lời kể, ngôi chùa cháy trong mấy ngày mới hết.
 

Cột đá chùa dạm
Cột đá chùa Dạm.

 

Dấu ấn quan trọng nhất còn lại của chùa Dạm xưa là một cột đá chạm rồng uy nghi án ngữ ngay phía trước khu vực cổng chùa. Cây cột này mang những họa tiết đặc trưng của thời Lý.

Năm 2011, các chuyên gia đã tiến hành khai quật khảo cổ trên toàn bộ khuôn viên chùa với diện tích hơn 300 m2. Quá trình khai quật đã làm phát lộ nhiều dấu tích có giá trị lịch sử cao như những bức tường kè đá khổng lồ được xếp bởi hàng nghìn phiến đá cắt gọt cẩn thận Đây là cơ sở để tiến hành việc phục dựng ngôi chùa trong tương lai.

Chùa Khải Tường – ngôi cổ tự bậc nhất Sài Gòn

Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn, trước đây tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thành Gia Định, nay là khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28, Võ Văn Tần, Quận 3, TP HCM).

Lịch sử của chùa bắt đầu vào khoảng năm 1744, khi hai Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc cùng một nhà sư không rõ danh tính đến khu vực này lập am lá thờ Phật. Vài năm sau, nhà sư vô danh kia tách ra lập am riêng, cách am cũ không xa, để tiện việc tu hành.
Đến năm 1752, nhà sư vô danh tu bổ am lá trước đây thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là "mở rộng phước lành cho bá tánh". Cũng khoảng thời gian đó, Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc tu bổ am lá thành chùa và đặt tên là chùa Từ Ân.

Chùa khải tường
 Chùa Khải Tường.

 

Theo sử nhà Nguyễn, chùa Khải Tường là nơi một người con trai của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) được sinh ra trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn.

Khi quân Pháp tấn công Gia Định năm 1859, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp Barbé đã chiếm giữ chùa Khải Tường. Barbé đã cho vứt bỏ tượng Phật và đuổi các sư ra khỏi chùa. Một năm sau đó, viên sĩ quan này bị quân Việt phục kích giết chết khi cưỡi ngựa đi tuần đêm từ chùa Khải Tường.
Thời gian sau đó, chùa Khải Tường trở thành một trường học của người Pháp và đến năm 1880 thì bị tháo dỡ.

Nhiều năm trôi qua, trên nền chùa bỏ hoang này, chính quyền Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm cầm quyền, công trình được dùng làm Trường Đại học Y dược. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, các cố vấn quân sự Mỹ đã đến đây trú đóng.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cơ sở trên được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Chùa Báo Ân – ngôi chùa "yểu mệnh" của Hà Nội

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng khu đất gần 100 mẫu ở bờ Đông hồ Gươm. Mặt trước chùa quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ.

Ngoài tên gọi chính thức, chùa Báo Ân còn có nhiều tên gọi khác như chùa Liên Trì (ao sen) vì nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chùa Nguyễn Đăng Giai – tên vị tổng đốc cho xây chùa, chùa Quan Thượng – chỉ hàm Thượng thư của quan Tổng đốc. Người Pháp thì gọi đây là chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices) vì thấy ở chùa có hai bức ván vách chạm nổi cảnh hàng loạt khổ hình dành cho những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia (Cảnh Thập điện Diêm vương).
 

Chùa Báo Ân
Chùa Báo Ân.

Theo các tư liệu được lưu lại, chùa Báo Ân có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, có tới 180 gian và 36 nóc. Các chi tiết kiến trúc của chùa được tạo tác rất tinh tế. Ngoài ra chùa còn có một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động.

Phía sau chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong, là ngọn tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 vòm cửa nên còn gọi là tứ môn tháp, một kiến trúc thường thấy trong các công trình của Phật giáo, tầng 2 có bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía Đông, tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô.

Theo đề án quy hoạch lại Hà Nội, đầu năm 1886, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn. Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong được giữ lại và là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến nay.

Kienthuc.net.vn
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc