Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Nhiều thay đổi ở lễ hội chùa Hương

Thứ bảy, 22/02/2014, 11:34 GMT+7
Sau một loạt những vấn đề được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong Thông báo số 20/TB-UBND TP ngày 14/2/2014, huyện Mỹ Đức và các sở, ngành của TP đã vào cuộc quyết liệt nhằm chấn chỉnh các vi phạm tại lễ hội Chùa Hương.
test

Và sự vào cuộc quyết liệt đó đã giúp lễ hội chùa Hương có những nét đổi thay tích cực…
Những ngày cuối tháng 2, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có chuyến hành hương về với chốn tâm linh này. Ghi nhận bước đầu cho thấy, công tác quản lý các hoạt động tại lễ hội Chùa Hương đã và đang có nhiều chuyển biến rất tích cực, dẫu vẫn còn đó những "hạt sạn" cần giải quyết triệt để trong thời gian tới. 

Đan xen những mảng sáng - tối

Chạy xe dọc Quốc lộ 21B, tới ngã 3 Tế Tiêu - Vạn Phúc, cách bến đò Yến Vĩ chừng 3km, du khách được chào đón bởi "biệt đội cò", từ nơi gửi xe cho tới vé đi đò. Hễ thấy đoàn du khách đi xe máy từ xa tới là hàng chục người lại chạy xe theo, mời chào vào gửi xe và "tư vấn" mua vé đi đò với dịch vụ "nhanh - gọn". Giá gửi xe được ấn định 20.000 đồng/xe máy (cao gần gấp 7 lần so với quy định mới của UBND TP), và giá đò 85.000 đồng/người/2 lượt (đi - về).

Dù chúng tôi đã hết lời từ chối nhưng những "cò vé" này vẫn "không chịu buông tha", kiên trì đeo bám cho tới tận khi chiếc xe của chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà dân gần bến thuyền. Đó là "màn chào đón" không lấy gì làm ấn tượng, nên rất nhiều người lần đầu tiên đặt chân tới Khu di tích Chùa Hương không khỏi cảm thấy phiền phức.
 
lễ hội chùa Hương
Nhiều tấm biển “Cấm đổi tiền lẻ” được dựng lên tại khu vực lễ hội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Dọc bến thuyền Yến Vĩ và đền Trình, nơi trước đây tập trung rất đông người hành nghề đổi tiền lẻ, giờ đây, cảnh tượng đó đã không còn. Thay vào đó là các quầy hàng bán thực phẩm, nước uống giải khát, đồ cúng lễ… Anh Nguyễn Văn Cảnh (20 tuổi) - lái đò của chúng tôi cho biết, mẹ anh trước đây cũng làm nghề đổi tiền lẻ tại khu vực đền Trình. Tuy nhiên, năm nay do các đơn vị chức năng làm "rắn" quá nên phải nghỉ.

Dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra nhỏ lẻ tại một số điểm, dù không lộ liễu, công khai. Cụ thể, tại đền Trình vẫn có ít nhất 3 quầy đổi tiền lẻ theo kiểu "trá hình". Những người này bày bán tiền xu, đô la âm phủ… nhưng luôn miệng gạn hỏi du khách qua đường có muốn đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng và 1.000 đồng để vào làm lễ không (?!).

So với các năm trước, vấn đề môi trường tại lễ hội Chùa Hương 2014 đã có những đổi thay tích cực. Tại khu vực đền Trình, lối đi lên khu vực chùa Thiên Trù, suối Giải Oan, động Hương Tích…, Ban tổ chức (BTC) đã bố trí rất nhiều thùng chứa rác với mật độ khá dày. Dọc suối Yến, chúng tôi trông thấy 3 công nhân cần mẫn làm công tác trục vớt rác.

Một công nhân tên Hải (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) cho hay, đội thu vớt rác trên suối Yến gồm khoảng 10 người, phân 3 ca làm việc liên tục cho tới 9 - 10 giờ tối. Những ngày đông khách hành hương, công nhân phải làm việc 2 ca/ngày. Tại khu vực động Hương Tích, những tấm bảng, biển ghi khẩu hiệu khuyến cáo, nhắc nhở người dân không cúng rượu thịt, giò chả, vàng mã, tiền âm phủ... được bố trí ở nhiều nơi. Nhờ đó, những hành động như vo tiền lẻ đút vào kẽ đá, thậm chí rải tiền trên đường đi còn rất ít.

Anh Nguyễn Văn Tuy (quê huyện Kim Bảng, Hà Nam) - phật tử nhà chùa cho biết, do được hệ thống loa liên tục nhắc nhở phía trên cửa và trong hang động nên năm nay, ý thức của nhiều người dân đã có những thay đổi. Tuy nhiên, trên đường hành hương, chúng tôi vẫn quan sát thấy đâu đó dọc suối Yến, lối đi lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích... vẫn có tình trạng người dân khi dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống tiện tay xả rác ngay tại vị trí ngồi gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Tình trạng hàng quán lấn đường đi của du khách vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, tại lối đi xuống từ động Hương Tích xuất hiện tình trạng buôn bán hàng trang sức giá rẻ nhưng lấy thương hiệu của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Theo lời quảng cáo của một người đàn ông trung niên tại quầy, một chiếc vòng tay bằng bạc của PNJ có giá 220.000 đồng nhưng do 2014 là năm đầu tiên PNJ tham gia lễ hội Chùa Hương nên khuyến mãi bán với giá chỉ... 110.000 đồng (?!).     

Nạn cờ bạc, xem bói, các trò bịp ăn tiền như chiếc nón kỳ diệu, úp xu, phi tiêu… và hiện tượng treo thịt tươi sống lủng lẳng dọc lối đi gây phản cảm gần như không còn. Giá các sản phẩm, dịch vụ đã được niêm yết công khai, tuy nhiên hiện tượng "chặt chém" vẫn còn khi các tiểu thương lợi dụng việc khách quên không hỏi giá trước.

Bên cạnh đó, tình trạng quảng cáo bằng loa, âm ly với công suất lớn vẫn chưa được khắc phục triệt để. Dọc lối đi bộ lên động Hương Tích, du khách sẽ nghe đập vào tai âm thanh quảng cáo sản phẩm của các hãng bánh kẹo (điển hình là Cơ sở sản xuất bánh kẹo Kim Thành, hiệu Chú Béo), các loại băng đĩa, vàng bạc trang sức, thực phẩm đồ uống… Điều này ít nhiều khiến không gian chốn tâm linh bị pha tạp, nhiều người không khỏi cảm thấy "chướng tai ngang mắt".

Tạo nếp văn hóa mới cho chùa Hương

Theo BTC lễ hội chùa Hương 2014, kể từ ngày khai hội (5/2) tới nay, khu di tích đã đón khoảng 55 vạn lượt du khách tới tham quan, vãn cảnh, đi lễ đầu năm. Lượng khách đông, thời gian lễ hội kéo dài nên nhiều vấn đề nảy sinh. Việc quản lý các hoạt động lễ hội có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, những bất cập đó hiện đang được BTC lễ hội tập trung toàn lực nhằm giải quyết triệt để.

lễ hội chùa Hương
Chợ nổi trên suối Yến trong mùa Lễ hội Chùa Hương 2014.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ban Quản lý khu di tích Chùa Hương, đồng thời là Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương 2014 cho biết, năm nay, Ban Quản lý chú trọng đặc biệt tới công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Theo đó, hàng trăm công nhân vệ sinh được bố trí từ bến đò Yến Vĩ lên tới động Hương Tích. Ban Quản lý cũng đã đưa vào vận hành lò đốt rác thải với công suất 1 tấn/ngày đêm, theo đó cơ bản giải quyết tình trạng rác tại động Hương Tích và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, 188 chiến sĩ công an các cấp từ xã, huyện, TP và Sở Cảnh sát PCCC cũng đã được huy động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mùa lễ hội năm nay.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thiếu tá Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, ngay từ Mùng 2 Tết Giáp Ngọ (1/2 Dương lịch), lực lượng công an huyện và các xã Hương Sơn, Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) phối hợp cùng lực lượng an ninh xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa) đã được triển khai xuống các khu vực lễ hội làm nhiệm vụ. Bên cạnh lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, mỗi tổ tuần tra lại có thêm từ 3 - 5 chiến sĩ cảnh sát môi trường thường trực với nhiệm vụ nhắc nhở người dân kinh doanh dịch vụ, không xả rác thải bừa bãi… Các chiến sĩ được phân công làm việc 24/24 giờ, ăn ngủ tại khuôn viên chùa, sẵn sàng tiếp nhận, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an ninh xã hội tại các khu vực diễn ra lễ hội.

Đại diện BTC lễ hội chùa Hương 2014 cho biết, tính tới thời điểm ngày 20/2, lượng khách về với Chùa Hương tăng khoảng 2 - 3 vạn lượt so với cùng kỳ năm 2013. Điều này khiến công tác đảm bảo trật tự an ninh có phần vất vả hơn. Đại úy Nguyễn Đức Lượng - Tổ trưởng Tổ tuần tra an ninh trật tự khu vực Thiên Trù (Công an huyện Mỹ Đức) thông tin, kể từ ngày khai hội đến nay, mới ghi nhận 1 trường hợp người dân bị móc túi.

Công an huyện Mỹ Đức đã thu giữ hơn 1.000 khẩu súng đồ chơi có tính sát thương cao; bắt 5 đối tượng "cò vé", thu giữ 1.107 vé cáp treo và gần 153 triệu đồng. Cũng trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ và thả về rừng 19 cá thể họ nhà sóc do các đối tượng kinh doanh động vật trái phép buôn bán tại các khu vực lễ hội. Phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Mỹ Đức thu giữ sách mê tín dị đoan, băng đĩa nhạc có nội dung tư tưởng không lành mạnh …

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, các ngành và đơn vị liên quan, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của UBND TP, hy vọng lễ hội Chùa Hương sẽ thực sự đổi thay về mọi mặt. Qua đó, góp phần xây dựng Chùa Hương trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn, một danh thắng nổi tiếng tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Xem thêm: Du lịch Hà Nội
KTĐT
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc