Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Khu lưu niệm Nguyễn Du – điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh

Thứ tư, 07/08/2019, 21:58 GMT+7
Là điểm nhấn quan trọng của du lịch Hà Tĩnh, Khu lưu niệm Nguyễn Du ngày nay thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, cách Tp. Hà Tĩnh khoảng 50km và Tp.Vinh (Nghệ An) khoảng 8km. Tiên Điền vốn là vùng bãi bồi của sông Cả (sông Lam hiện nay), đầy ao chuôm, cỏ mục um tùm, dân cư thưa thớt. Vùng này đã được khai phá, xây dựng nhờ công lao của dòng họ Nguyễn - gốc tích từ Hà Tây - di cư vào Tiên Điền vào khoảng cuối thế kỷ 16. 
Khu lưu niệm Nguyễn Du – điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh

Khu lưu niệm Nguyễn Du được thành lập từ năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820). Đến ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng thành Khu di tích quốc gia đặc biệt. Khu lưu niệm nằm trên vùng đất rộng chừng 20ha từ bờ nam sông Lam đến xứ Đồng Cùng, gồm quần thể các di tích của dòng họ Nguyễn Tiên Điền trải qua 400 năm lịch sử, được chia thành các khu vực chính: Nhà thờ Nguyễn Du; Bảo tàng Nguyễn Du; đền thờ Nguyễn Nghiễm, cụ Nguyễn Trọng; đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; Khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du.
 
Trước sân khu lưu niệm nổi bật bức tượng Nguyễn Du khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông. Tượng bằng đồng, cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m, toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát của Đại thi hào. Nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825 được bài trí đơn sơ, giản dị như cốt cách của Đại thi hào. Một bàn thờ bằng đá vôi cát, một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên, trên bàn thờ có một bức hoành đề chữ “Hồng Sơn thế phả” do một vị quan Trung Quốc đời nhà Thanh tặng, cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Phía ngoài nhà thờ treo bức hoành đề chữ “ Địa linh nhân kiệt”.
 
Khu lưu niệm Nguyễn Du – điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh
Cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản)
 
Bên phải nhà thờ là nhà trưng bày bảo tàng Nguyễn Du - nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào. Trong nhà bảo tàng hiện trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như bản Kiều in từ bản khắc năm 1866; cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản) nặng 75kg, bề ngang 1,2m, bề dọc 1,6m; bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, bộ sưu tập sách viết về Nguyễn Du... và một số hiện vật quý như nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, la bàn dùng đi săn, bức phù điêu bằng gỗ ghi lại hình ảnh rước Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm.
 
Về phía Đông vài trăm mét là đến đền thờ Nguyễn Nghiễm còn gọi là đền Đức Đại Vương. Trước cổng là hai voi đá và ngựa đá, thượng điện nay chỉ còn bàn thờ bằng đá thanh, bát hương bằng đá, mái lợp ngói. Hạ điện làm bằng gỗ li, lợp ngói mũi hài. Cách đền Nguyễn Nghiễm vài trăm mét là đền Nguyễn Trọng, đền có bia đặt trước tiền sảnh nội dung bia khuyên con cháu bảo vệ đạo lý của cha ông để lại.
 
Một trong những công trình quan trọng của Khu lưu niệm là đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội của Nguyễn Du). Đàn tế và bia đá hiện nay vẫn là di tích nguyên gốc về hình dáng, chất liệu. Bia đá được dựng vào mùa Thu năm Nhâm Ngọ (1762), đá làm bia do Nguyễn Nghiễm lấy từ Thanh Hóa về, Nguyễn Khản viết chữ để thợ khắc chữ khắc lại. Trên bia khắc các dòng chữ Hán, có nghĩa “Phong tặng ông Nguyễn Quỳnh chức Lễ Bộ Thượng thư, hàm Thái Bảo, tước Nhuận Quận công. Phong tặng bà Phan Thị đệ nhất phu nhân và được hưởng bổng lộc như Quận công; hai bên khắc 2 câu đối “Tưởng niệm cha mẹ theo năm tháng. Còn giang sơn còn truyền tụng”. Khi lập đàn tế, dựng bia, Nguyễn Nghiễm cho xây dựng cạnh 3 cây cổ thụ mà Nguyễn Quỳnh đã trồng trước đây. Tương truyền vì tinh thông lý số, Nguyễn Quỳnh biết trong 6 người con trai sẽ có 3 người làm quan nên ông trồng 3 cây này mục đích là để sau này mỗi lần ba người con Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng về thăm cha có chỗ cột ngựa. Hiện vẫn còn một cây cổ thụ còn sống. Hàng năm đến ngày giỗ, lễ Tết, con cháu dòng họ Nguyễn làm lễ dâng hương tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên tại đây.
 
Khu lưu niệm Nguyễn Du – điểm nhấn của du lịch Hà Tĩnh
Du khách nghe thuyết minh viên giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du
 
Nhà Tư văn gồm có 2 nhà nằm đối diện nhau làm bằng gỗ lim lợp ngói vảy, xung quanh có tường cao. Đây là không gian bình thơ của người Tiên Điền xưa mỗi khi đến dịp lễ, Tết. Năm 1790 nhà tư văn bị cháy, người trong họ Nguyễn cùng nhân dân quanh vùng cung tiến dựng lại. Ngày nay vào mỗi dịp đầu xuân, nhà Tư văn là nơi tổ chức những đêm thơ Nguyễn Du.
 
Ngoài khu lưu niệm là phần mộ Đại thi hào. Nguyễn Du mất năm 1820 tại Phú Xuân (Huế). 4 năm sau, con trai Nguyễn Ngũ đưa hài cốt cha về an táng xứ Đồng Mái, sau dời về Đồng Thánh rồi cuối cùng ở Đồng Cùng như hiện nay. Sau nhiều lần tôn tạo, mộ Nguyễn Du gồm bàn thờ, phần mộ và vườn cây xung quanh. Bàn thờ có bia tường hình cuốn sách và lư hương. Bia đá đề dòng chữ “Danh nhân văn hoá thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du”. Mộ hình khối chữ nhật, cao 1,2 m; rộng 1,3m; dài 2,3m.
 
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà Đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, hàng năm tại khu lưu niệm Nguyễn Du thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương, trao đổi về điển tích truyện Kiều; sinh hoạt CLB Thơ và Ngày thơ Việt Nam… Khu lưu niệm Nguyễn Du cũng đã và đang được đầu tư, phát triển theo hướng trở thành một khu du lịch quốc gia, một trong những "hạt nhân" để Hà Tĩnh phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử. 
Nhi Tuyết
Theo Báo Du lịch