Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành

Chủ nhật, 03/02/2019, 10:39 GMT+7
Người Hà thành xưa thanh lịch lắm, thanh lịch không chỉ qua lời ăn tiếng nói mà thanh lịch đến phong cách thời trang và ẩm thực. Ẩm thực của người Hà thành đa dạng lắm nhưng luôn rất sạch sẽ, tinh tế và ẩn giấu tài hoa. Cái tài hoa ấy được thể hiện rất đầy đủ, rất rõ ràng qua cách người Hà Nội xưa chuẩn bị mâm cỗ Tết.


Mâm cỗ Tết của người Hà thành nâng niu món ăn truyền thống

 

Người Hà thành xưa có thể làm được rất nhiều món ngon, bổ dưỡng và lạ lùng nhưng trong mâm cỗ Tết nhất định phải có những món ăn truyền thống của người Việt như: bánh chưng, dưa hành, thịt gà luộc, nem rán, giò chả, bát canh, đĩa nộm…
 
Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành
Mâm cỗ Tết của người Hà thành xưa
 
Bánh chưng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Hà thành. Bánh chưng có màu xanh non đẹp mắt, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất nơi chúng ta đang sống. Bánh chưng là vật phẩm không thể thiếu khi cúng bái, cảm tạ trời đất, tổ tiên trong những dịp Tết đến xuân sang.
 
Bên cạnh bánh chưng là thịt gà luộc. Thịt gà luộc là món không khó để chế biến nhưng với người Hà thành cần phải được luộc tinh tế. Thịt gà luộc không được còn thịt đỏ cũng không được quá nhũn. Thịt gà luộc phải có phần da vàng ươm, chặt thành miếng đều tay, xếp lên đĩa thật đẹp mắt rồi rắc lên trên những sợi lá chanh thái chỉ mỏng thật mỏng, đặt đĩa muối tiêu chanh cạnh đó cho thật đầy đủ hương vị.
 
Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành
Bánh chưng là món bắt buộc phải có trong mâm cỗ Tết của người Hà thành xưa
 
Nem rán là món ăn được nhiều người đánh giá là cầu kỳ nhưng cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà thành. Phần chuẩn bị nguyên liệu của món nem là vô cùng quan trọng. Đầu tiên phải băm nhỏ thịt, thái nhỏ hành tây, hành lá, nấm hương, cà rốt, mộc nhĩ, ngâm miến, rửa sạch giá đỗ. Sau đó tất cả nguyên liệu sẽ được cho vào một chiếc bát lớn, đập quả trứng, nêm nếm gia vị thật vừa vặn rồi trộn đều lên. Tiếp đó, trải bánh tráng mỏng, cuốn đều tay, rán vàng. 
 
Một món nem thành công với người Hà thành xưa không thể thiếu bát nước chấm pha một chút chua nhẹ, một chút  ngọt nhẹ, một chút mặn nhẹ đặt bên cạnh để khi ăn hương vị của nem quyện vào nước chấm ngon thì mới thực sự trở thành món ngon Hà Nội.
 
Giò chả ngày nay không còn được nhiều người thích thú nhưng vẫn là một phần quan trọng trong mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa cũng luôn luôn luôn có giò chả có thể là giò lụa có thể là chả quế. Giò chả thường được chuẩn bị từ trước Tết, khi bày ra đĩa được chọn phần ngon nhất và được cắt thành các miếng đều nhau, bày biện, trang trí rất đẹp mắt.
 
Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành
Nem rán, giò chả là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Hà thành xưa
 
Cùng với đó, trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà thành không thể quên một món ăn vô cùng dân dã, vô cùng quen thuộc đó chính là đĩa hành muối. Hành muối có vị chua, trong mâm cỗ ngày Tết với nhiều món nếp món thịt thì một đĩa hành muối có ý nghĩa vô cùng lớn lao và thường là món nhanh hết nhất.
 
Ngoài ra, trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà thành xưa còn có đĩa nộm hoặc đĩa xào thập cẩm, bát canh măng hoặc canh miến, không chỉ mang lại sự đa dạng, màu sắc cho mâm cỗ ngày Tết mà còn thể hiện được tấm lòng của con cái với ông bà tổ tiên, ước vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.
 
Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành
Hành muối - món ăn dân dã nhưng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Hà thành

Xem thêm: Tour du lịch Hà Nội

Mâm cỗ Tết của người Hà thành coi trọng việc trang trí, sắp xếp
 

Người Hà thành xưa cầu kỳ, tinh tế không chỉ trong cách chọn nguyên liệu, nấu món ăn mà còn thể hiện ở việc sắp xếp, trang trí, bày biện món ăn. Chính vì thế, vào một dịp đặc biệt như dịp Tết thì mâm cỗ càng được chú trọng trong việc trang trí, sắp xếp.
 
Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội xưa bát đĩa phải đồng bộ. Bát bày cỗ phải là bát chiếu yêu (loại bát thắt lại ở phần lưng bát, miệng loe). Đĩa thường dùng là đĩa Bát Tràng, men lam hay đĩa sứ Giang Tây. Bát đĩa đựng thức ăn có kích thước không lớn lắm, chỉ từ 12 - 15 cm.
 
Có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành
Người Hà thành xưa rất chú trọng cách bày biện mâm cỗ Tết 
 
Người Hà Nội xưa không bày cỗ ú ụ, thừa thãi. Thức ăn đặt trên bát đĩa đầy đặn, vừa đủ và phải bảo đảm hài hoà về cả màu sắc, mùi vị, tinh tế, và đẹp mắt. Đĩa gà nếu cúng nguyên con sẽ được ngậm bông hồng nhung đỏ, nếu chặt xếp đĩa thì phải xếp chặt tay, da ở phía trên; đĩa giò lụa được xếp 6 hoặc 12 miếng theo hình bông hoa vừa đúng miệng đĩa; đĩa nộm cũng thường được cắt tỉa hình hoa đẹp mắt…
 
Xét về món ăn, nhiều người nói rằng mâm cỗ Tết của người Hà thành xưa không khác so với mâm cỗ Tết của nhiều người tỉnh thành miền Bắc là mấy. Nhưng điều khác biệt mà mỗi người có thể nhìn thấy trong mâm cỗ Tết của người Hà thành đó chính là sự tỉ mỉ, tinh tế trong tất cả các khâu bắt đầu từ chọn nguyên liệu đến chế biến, trang trí bày biện. Có lẽ vì thế, người ta bảo nhau rằng luôn có nét truyền thống mà tinh hoa trong mâm cỗ Tết của người Hà thành. 
Quỳnh Thanh
Theo Báo Du lịch