Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Đông cung xứ Đoài

Thứ bảy, 15/06/2019, 10:38 GMT+7
Ðông cung xứ Ðoài, còn có tên gọi khác là đền Và. Tương truyền, đây là nơi Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) mở tiệc ăn mừng sau khi đánh thắng Thủy Tinh rồi xây dựng lâu đài kỷ niệm chiến thắng đó. Ðền hiện thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội; được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1964.

Đông cung xứ Đoài

Đền Và hiện là một trong bốn cung thờ Thần núi Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền nằm trên một ngọn đồi thấp và rộng, khu vực kiến trúc rộng khoảng 2.000m² được che phủ bởi rừng lim cổ thụ. Có đến 90 cây tuổi đời trên 100 năm, gồm có 85 cây lim xanh, 2 cây đại hoa trắng, 2 cây ngọc lan và 1 cây nụ.
 
Đền Và được xây dựng từ rất lâu, theo một số văn bia cổ còn lưu tại đền, Đền Và có từ thời  Lý, lúc này đền chỉ là khu thờ nhỏ nhưng rất linh ứng. Trải qua các triều đại, đến đời Minh Mệnh, Tự Đức, Thành Thái (triều Nguyễn) đều có sự trùng tu sửa chữa, đặc biệt là đời Duy Tân (năm 1907), đền được trùng tu lại và có quy mô như ngày nay.
 
Đông cung xứ Đoài
Lầu chuông, gác trống nằm hai bên cổng Nghi môn
 
Ngoài cùng là cổng Nghi môn to rộng, có 3 cửa vào; cửa giữa đặc biệt to rộng, sơn son thiếp vàng đôi rồng chầu uy nghiêm, thường chỉ mở cho đoàn rước tế lễ ngày hội đền. Tiếp theo ngay hai bên là lầu chuông, gác trống, sân gạch, phòng khách, khu tiền tế. Thông thường, khách chiêm bái, lễ cúng chỉ dừng ở khu vực tiền tế; du khách có thể nghỉ ngơi tìm hiểu các thông tin về đền qua những bức ảnh, các sắc phong được đặt tại khu tiền tế và phòng khách.

Đền hiện đang lưu giữ 5 bản thần tích “Tản Viên Sơn Thánh”; 18 đạo “sắc phong” của các đời Vua; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá… Đền trung và thượng có nhiều hiện vật quý: 4 pho tượng lớn, 3 con ngựa hồng và bạch, 3 cỗ ngai, các lọ lục bình, chóe, cột đèn đá, chuông đồng, bia đá… Khu vực này chỉ dành cho nhà đền chăm sóc nhang đèn, thực hiện các thao tác lễ tiết ngày lễ hội. Đền chính (đền thượng) thờ ba vị thần núi: Đức Thánh Tản Viên, Đức Cao Sơn đại vương và Đức Quý Minh đại vương; phía ngoài là tứ trụ triều đình và văn võ tả hữu. Đây được xem là điểm đặc biệt nhất 4 cung thờ Đức Thánh Tản Viên ở xứ Đoài này, vì có cả tứ trụ triều đình và hai quan văn võ. 
 
Một điểm đặc biệt nữa là đền hiện tại được làm hoàn toàn bằng đá ong, thứ nguyên liệu phổ biến và đặc trưng nhất của xứ Đoài, vốn đã rất nổi tiếng với kiến trúc của làng cổ Đường Lâm ngay cạnh bên. Từ cổng Nghi môn vào, trên các cột đều có câu đối ca ngợi cảnh quan đền và tôn vinh công đức của Đức Thánh Tản Viên; nhiều chi tiết được xây dựng dưới hình tượng tứ linh với ẩn ý cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, luôn có người tài ra giúp dân giúp nước. Khuôn viên đền được bao bọc bởi một tường rào đá ong đã nhuốm màu thời gian.
 
Đông cung xứ Đoài
Các sắc phong được để sát mái khu phòng khách và tiền tế
 
Lễ hội đền Và là lễ hội lớn vào bậc nhất xứ Đoài, được tổ chức hai lần trong năm. Hội mùa Xuân vào dịp rằm tháng Giêng ÂL hằng năm (từ ngày 13 đến hết ngày 15); cứ 3 năm sẽ tổ chức lớn một lần gọi là hội chính (vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu). Tâm điểm của lễ hội là nghi lễ rước long ngai bài vị Đức Thánh Tản Viên cùng hai vị đại vương từ đền Và qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là nơi theo truyền thuyết Đức Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và.

Lễ hội mùa Thu (rằm tháng 9 ÂL) mở vào ngày 14 tháng 9, với nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Lễ hội này dân gian gọi là lễ hội “đả ngư ”. Tương truyền, từ rất xưa, hội ở đền Và qui định cơm ăn, cỗ cúng không được dùng muối, mà phải ăn nhạt; xơi cơm xong, quan viên uống nước ăn trầu nhưng không được dùng vôi. Có lẽ vì vậy mà dân gian có câu: “Hội đền Và trầu không vôi, xôi không muối”.
 
Đông cung xứ Đoài
Miếu cô Chín giếng là nơi không thể bỏ qua khi đến đền Và
 
Một điểm không thể bỏ qua nữa khi đến đền Và là miếu cô Chín giếng. Theo quan niệm của người dân nơi đây, đã đến đền Và thì trước tiên phải rửa mặt, tay chân rồi mới vào đền đi lễ, nên khi đến đền Và, người dân và du khách thường đến miếu cô Chín giếng để cầu lễ và xin nước thánh ở giếng. Vào mùa lễ hội, nơi đây càng trở nên tấp nập. Dần dà, qua lời truyền miệng, miếu cô Chín giếng trở thành một nơi linh thiêng không thể bỏ qua khi đến đền Và; du khách thập phương không chỉ lễ xin nước rửa mặt tại chỗ mà còn cố ý mang về để người thân và con cháu cùng được hưởng lộc thánh.
Y.T
Theo Báo Du lịch