Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Đình Hương Canh - Vẻ đẹp trường tồn với thời gian

Thứ bảy, 04/04/2015, 10:11 GMT+7
Đình Hương Canh được xây dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, chạm trổ tinh vi điêu luyện.  
Vị trí: Đình Hương Canh thuộc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Đặc điểm: Là ngôi đình có từ rất lâu đời nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, đồ sộ với những hoa văn tinh xảo.

Đình Hương Canh được xây dựng cách đây gần 300 đến nay đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, như khoe với thiên nhiên cỏ cây về bộ mái đồ sộ xinh duyên của mình. Mái đình được ợp bằng ngói mũi hài, xếp đặt theo kiểu “đóng óc vẩy rồng” rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc được đắp thẳng ke, hai đầu cong lên, các đầu đao cũng vút lên tương tự, toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ. Nhờ vậy mà di tích lịch sử ở Vĩnh Phúc này trông toàn cảnh rất đồ sộ nhưng không nặng nề, to cao mà duyên dáng, không kém phần mềm mại, uyển chuyển.
 

Trước đây, Đình Hương Canh có 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ “Vương”, năm 1964 trong khi tu sửa đã dỡ đi toà cuối cùng, nay còn toà tiền tế và đại đình. Tiền tế đình Hương Canh gồm 3 gian, mái được làm kiểu 2 tầng 8 mái, toà đại đình 5 gian 2 dĩ, dài 26m, rộng 13,50m, 4 mái. Để chống đỡ bộ mái nặng hàng chục tấn ấy, các nhà thiết kế thời bấy giờ đã tạo ra cho đình một bộ khung rất chắc chắn. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng. Mỗi bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột để cột chịu lực là chính. Để làm được điều đó các nghệ nhân đã phải tính toán, đo đạc kỹ lưỡng đến đến từng chi tiết nhỏ nhất.
 
Đình Hương Canh
Những nét hoa văn được chạm trổ tinh xảo, điêu luyện

Kỹ thuật chạm trổ của những nghệ nhân xây dựng Đình Hương Canh đã đạt đến mức tinh vi, điêu luyện. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra, các nghệ nhân đều biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, những tuyệt tác. Những con kìm được chạm sâu hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng, những đầu hoành, đòn tay là chú voi mập mạp như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình. Tiêu biểu là các bức chạm: Đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên…Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời Lê Trung Hưng.

Là công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, điểm du lịch Vĩnh Phúc này ngày nay đã trở thành địa chỉ đỏ trong những chuyến hành hương tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa khi đi du lịch Vĩnh Phúc.
Dulichvietnam.com
Sưu tầm