Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"

Thứ bảy, 16/03/2019, 09:47 GMT+7
Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu 
Như sống lại hồn Cao Văn Lầu 
Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại 
Một thời để nhớ ngày đó xa rồi.

Một chiều khi trời đất thênh thang và ánh nắng dần tắt, bỗng nghe đâu văng vẳng những lời ca viết về mảnh đất Bạc Liêu giàu có và oanh liệt một thời. Bạc Liêu - vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử với những con người hào sảng, mến khách đã làm cho vùng đất cực Nam xa xôi của Tổ quốc nay bỗng hóa ra gần gũi.
 
Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"
Bạc Liêu hôm nay

Người ta nói về Bạc Liêu như là xứ sở của những con người hào phóng, bạt mạng nhưng nhân hậu, trọng nghĩa trọng tình, có trước có sau, rạch ròi, cương trực như tính cách chung của người Nam Bộ; không cần khách sáo, ban ơn, không cần trả nghĩa, vô tư như chuyện phải làm. Có lẽ nhờ cái tính khí ấy mà Bạc Liêu vẫn giữ được hồn mình, tồn tại và đứng vững đến ngày nay.
 
Phải chăng cũng chính tình đất, tình người Bạc Liêu mà một thời còn lôi cuốn, mời gọi cả dòng người Triều Châu từ phương Bắc xa xôi gồng gánh “chảy” về phương Nam sinh cơ, lập nghiệp để rồi Bạc Liêu được lựa chọn làm quê hương thứ hai của mỗi đời người.
 
Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"
Cuộc sống người dân Bạc Liêu

Xem thêm: Tour du lịch miền Tây
 
Bạc Liêu còn có những chiến tích nhân văn, nhân bản trở thành dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người. Đó là những Đồng Nọc Nạng lẫy lừng tên tuổi anh em Mười Chức - một khí phách quật cường của người nông dân Nam bộ chống áp bức, bất công. Có Chủ Chọt - thủ lĩnh tự phát người Khmer Nam bộ tập hợp dân làng, xây thành, cát cứ đánh Tây, Mã Tà, thách thức ngoại bang cướp nước. Có Đền thờ Bác Hồ sừng sững, hiên ngang suốt một thời bom đạn, để cán bộ nhân dân giữ Bác trong tim và giữ lửa trái tim mình.
 
Thế mới nói, giữa vùng đất an yên và có những con người nhân hậu, lại ánh lên khí chất anh hùng, bất khuất như truyền thống bao đời của dân tộc Việt Nam.
 
Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"
Đền thờ Bác Hồ ở Bạc Liêu
 
Nhớ về Bạc Liêu là nhớ đến cái nôi vọng cổ, nhớ đến những giọt đàn “rơi” trong thanh vắng, mùi mẫn đến thắt lòng. “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/Em luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau”. Dạ cổ Hoài Lang là sự kết tinh về tri thức cổ nhạc và tâm hồn mẫn cảm, tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nói hộ cho những nỗi niềm tâm sự buồn thương, cay đắng, chuyện đạo nghĩa, lòng nhân.
 
Một bản vọng cổ được ca lên làm mỗi người nghe tìm thấy một phần số phận mình trong đó, họ cảm thất được gởi gắm tâm sự, được chia sẻ. Điều đó lý giải vì sao Dạ cổ hoài lang ngay khi ra đời đã đi vào đời sống người dân một cách tự nhiên và có sức cuốn hút mạnh mẽ đến vậy.
 
Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"
Kỷ niệm 100 ngày ra đời Dạ cổ Hoài Lang 

Người ta đã nghe rất nhiều về câu chuyện Công tử Bạc liêu đốt tiền nấu trứng nức danh khắp vùng Nam bộ và còn dư âm cho đến tận ngày hôm nay. Công tử Bạc Liêu là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường ăn chơi, tiêu tiền như nước. 
 
Đến đây, du khách không chỉ được nghe về câu chuyện ăn chơi xa xỉ của các công tử, mà còn được ghé thăm nhà của công tử Bạc Liêu nay đã trở thành một di tích lịch sử. Nhà “Công tử Bạc Liêu” hiện tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu. Ngôi nhà này được xây dựng vào khoảng năm 1919, nổi bật bởi kiến trúc Pháp sang trọng, bề thế.Sau nhiều năm trùng tu, cụm dinh thự công tử Bạc Liêu, người ăn chơi nổi tiếng khắp Nam Kỳ đã mở cửa đón hàng chục nghìn khách du lịch đến tham quan.
 
Đến Bạc Liêu tìm kẻ "đốt tiền nấu trứng"
Nhà công tử Bạc Liêu
 
Bạc Liêu xưa nay vẫn thế, vẫn bình dị, hiền hòa theo thời gian, vẫn những đồng lúa xanh mướt, những dòng sông chằng chịt, đan xen vào nhau. Vẫn còn đó hình ảnh con đò, xuồng ba lá, nón lá thân quen gắn liền với vùng quê, vẫn là cái nét duyên vùng quê của miền phù sa châu thổ đã làm nên một Bạc Liêu bình dị.
Đặng Phương
Theo Báo Du lịch