Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Đậm nét văn hóa lễ giỗ Mạc Cửu

Thứ hai, 16/03/2015, 16:13 GMT+7
Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Đức khai trấn Mạc Cửu được chính quyền và nhân dân thị xã Hà Tiên tổ chức hết sức long trọng với đủ các phần lễ và hội. 
 
Hà Tiên là một vùng đất xinh đẹp được nhiều người biết đến với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thạch Động thôn vân, Lộc trĩ thôn cư, Đông Hồ ấn nguyện, Kim Dự lan đào, Bình San điệp thúy đã gắn lền với tên tuổi dòng họ Mạc mà đứng đầu là vị Tổng trấn Mạc Cửu. Để ghi nhớ công lao của ông, sau khi ông mất nhân dân Hà Tiên đã lập đền thờ phụng và tổ chức lễ giỗ vào các ngày 26-27 tháng 5 âm lịch hàng năm. 
 
 
Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Đức khai trấn Mạc Cửu được chính quyền và nhân dân thị xã Hà Tiên tổ chức hết sức long trọng với đủ các phần lễ và hội. Về phần lễ vẫn giữ theo thông lệ với các lễ cúng, tế được diễn ra tại đền thờ họ Mạc. Tâm điểm của phần lễ là nghi thức Lễ thỉnh sắc được tổ chức vào ngày 27/5 âm lịch. Điểm xuất phát của lễ thỉnh sắc bắt đầu từ đền thờ họ Mạc đến tượng đài Mạc Cửu dưới chân núi Tô Châu. Tham dự lễ thỉnh sắc có sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể tỉnh Kiên Giang, thị xã Hà Tiên và nhân dân của 7 xã phường thị xã. Đoàn thỉnh sắc với trên 1.000 người cùng với cờ lộng, chiêng trống hòa nhịp tạo nên một không khí vừa rộn ràng vừa trang trọng.
 
Nội dung chính của Lễ thỉnh sắc là tiết mục đọc sắc phong của Vua Minh Mạng phong tặng tước vị cho Mạc Cửu và bài phát biểu của lãnh đạo thị xã tóm lược những công lao của vị Tổng trấn trong quá trình hình thành nên vùng đất Hà Tiên.
 
 Theo lịch sử ghi lại, cách đây hơn 300 năm vào đầu thế kỷ thứ 18, Mạc Cửu là một thương nhân sau thời gian qua lại mua bán ở vùng Đông Nam Á đã quyết định chọn vùng đất Hà Tiên thời bấy giờ được gọi là Phương Thành để dừng chân lập nghiệp. Ông tập họp cư dân vùng này và thành lập nên 7 xã thôn, tổ chức giao thương mua bán với nước ngoài. Chỉ sau một thời gian ngắn ông đã biến nơi đây thành một vùng đất trù phú tấp nập. Chính vì thế đã nhiều lần ông phải đối mặt với sự xâm lăng của quân Xiêm và thường xuyên bị cướp phá. Trước tình hình đó vì không muốn để mất vùng đất mà Ông và cư dân nơi đây đã dày công khai mở, tháng 8 năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu viết sớ xin đầu phục chúa Nguyễn được chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh, tước Cửu Lộc Hầu và chính thức cho đổi tên vùng đất này thành Hà Tiên trấn, dưới sự che chở của triều đình nhà Nguyễn cùng với sự chỉ huy của Mạc Cửu, Hà Tiên dần trở thành một vùng đất trù phú và là một thương cảng quan trọng của vùng Đông Nam Á. Năm 1735, Mạc Cửu bị bệnh và qua đời. 
 
 
lễ giỗ Mạc Cửu Ha Tiên
 
Với công lao trong quá trình khai phá, Mạc Cửu được triều đình nhà Nguyễn truy phong cho ông tước “Khai trấn, Thượng trụ quốc, Đại tướng quân, Vũ nghị công”. Năm Minh Mạng thứ III, vua Minh Mạng ban sắc tiếp tục phong thêm cho ông tước “Thụ công- Thuận nghĩa, Trung đẳng thần”, giao cho nhân dân xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên thờ phụng. Việc tổ chức lễ hội giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu là nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đã được hun đúc trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, để các thế hệ nối tiếp góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Hà Tiên trở thành một thành phố văn hóa du lịch giàu đẹp.
 
Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ, các hoạt động phần hội cũng được tổ chức với nhiều hoạt động khá phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân cũng như du khách thập phương đến xem và cổ vũ. Một số hoạt động điển hình như Hội thao Công nhân viên chức- lao động do Liên đoàn Lao động phối hợp phòng Văn hóa Thông tin tổ chức bao gồm các môn thi đấu như điền kinh, bóng đá, cầu lông, cờ tướng.v.v.
 
 
Với những hoạt động phong phú và đa dạng, lễ hội kỷ niệm ngày mất của Đức khai trấn Mạc Cửu giờ đây đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Hà Tiên. Lễ hội đã góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đậm nét bản sắc của vùng đất phía Tây Nam của tổ quốc.

Nếu có dịp du lịch Phú Quốc thì bạn đừng bỏ qua lễ hội đậm nét văn hóa lễ hội như lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu này nhé.
 
 
Dulichvietnam
Sưu tầm