Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Bảo vật quốc gia ở thành nội Huế

Thứ hai, 10/06/2019, 09:10 GMT+7
Trong một góc tối, hai bộ đàn chuông (biên chung) và đàn đá (biên khánh) nằm im lìm bên cạnh chiếc sập màu đỏ rực vua ngồi ngự phê. Hầu hết du khách vào tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình thời Nguyễn (số 3 Lê Trực, phường Phú Hậu, Thành nội Huế) chỉ tập trung xem các món bảo vật: áo mão cân đai, hia hài, đồ sứ ký kiểu, cây vàng lá ngọc. Ít người để ý đấy là hai bộ nhạc khí cổ quý hiếm bậc nhất ở châu Á. Hiện nay không còn ai biết sử dụng, cũng như chưa tìm thấy một tài liệu hướng dẫn nào.
 
Bộ biên chung (chuông đồng) vì tác động của thời gian nên âm thanh không chuẩn
Bộ biên chung (chuông đồng) vì tác động của thời gian nên âm thanh không chuẩn
 
Theo các nhà nghiên cứu, lịch sử của bộ đàn đá mà loài người biết sử dụng đã có cách đây hơn 3.000 năm. Năm 1949, phu lục lộ người Pháp đã phát hiện tại Đắk Lắk, Tây Nguyên một bộ đàn đá gồm 11 thanh đá xám, kích thước từ to đến nhỏ. Phát hiện này được Georges Condominas, một nhà khảo cổ bậc thầy người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa về Paris. Rồi được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí nhạc học số 97-98 tháng 7 năm 1951, khẳng định “nó rất độc đáo bởi không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Lần thứ hai vào năm 1956, một bộ đàn đá khác được người Mỹ tìm thấy tại Tây Nguyên. Hiện nó được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Cổ vật NewYork.
 
Vào năm 2005,  đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách nhạc cụ trong “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”. Nếu tìm lại trong các tài liệu lịch sử nghiên cứu về Nhã nhạc cung đình Huế, người ta thấy có sự hiện diện của biên chung và biên khánh trong hệ thống Nhã nhạc từ xa xưa.
 
Hai loại nhạc cụ chính thống này hết sức độc đáo và quan trọng về mặt tín ngưỡng. Người xưa vốn quan niệm âm thanh của đàn đá (biên khánh) là một phương tiện linh thiêng giao hưởng giữa con người với trời đất, với thần linh để nối dài quá khứ với hiện tại. Trong hệ thống Đại nhạc và Tiểu nhạc thuộc Nhã nhạc Cung đình Huế, bộ biên khánh gồm có 12 chiếc khánh làm bằng đá đẽo gọt. Bộ biên chung gồm có 12 chiếc chuông đồng. Cả hai bộ được treo trên một giá đỡ bằng gỗ quý bên ngoài sơn son thếp vàng. Giá đỡ chia thành hai hàng trên và dưới, mỗi hàng có 6 ô, để treo mỗi chiếc chuông đồng và khánh đá. Hai chiếc giá đỡ này có thể di chuyển đến nơi trình diễn rất dễ dàng, do bên trên cấu tạo thành hình cái đòn gánh chạm khắc hình đầu rồng, hai người khỏe mạnh gánh nó đi bằng vai.
 
Bộ biên khánh (đàn đá) đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Bộ biên khánh (đàn đá) đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
 
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc vào thập niên 1940-1960, ban đầu hầu hết là người Pháp, bộ biên khánh (đàn đá) đa số có từ 5 - 15 thanh đá. Theo họ, đàn đá là bộ nhạc cụ gõ cổ sơ bậc nhất của loài người. Đều làm bằng những thanh đá lớn nhỏ, dài ngắn, dày mỏng khác nhau. Thanh đá dày, lớn và dài có âm vực trầm. Những thanh đá ngược lại, có âm vực trong trẻo. Bộ khánh vừa có âm vực cao, thánh thót xa xăm. Vừa có âm vực trầm, ngân vang như tiếng dội vào vách đá. Các nhà nghiên cứu cho biết loại đá sử dụng làm đàn đá đều đạt trên 3.000 năm tuổi. Người xưa làm thế nào mà tìm ra loại đá ấy vẫn là một bí ẩn chưa ai giải đáp được. Qua các cuộc thám sát khảo cổ học, đến nay mới phát hiện thấy đàn đá ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và một số vùng Châu Phi. Ở nước ta, người xưa sử dụng loại đá núi ở miền Nam Trung bộ và Đông Nam bộ để làm đàn đá.
 
Nói về lịch sử bộ biên chung (nhạc chuông), trong hệ thống nhạc cụ thuộc Nhã nhạc cung đình Huế, hiện nay chỉ còn giữ được 8 chiếc chuông đồng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bộ biên chung này nguyên là loại nhạc cụ thuộc nhóm “huyền” nhạc (nhạc treo) trong hệ thống đại nhạc (nhạc lễ). Nó chỉ được đem ra sử dụng trong những buổi tế lễ trọng đại cấp quốc gia như: lễ Đại triều ở điện Thái Hòa, lễ Tế đàn Nam Giao, lễ Tế đàn Xã Tắc.
 
Theo tìm hiểu hiên trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 8 chiếc chuông quý đều làm bằng chất liệu đồng nguyên chất. Quả chuông được đúc rỗng, độ dày mỏng giữa các chuông khác nhau. Trên thân chuông đúc 5 đường gờ nổi song song tượng trưng cho “ngũ hành”. Ở điểm đúc nổi hiện lên 9 nút nhỏ ở mỗi đường gờ để làm điểm đánh chuông. Các nút nhỏ tinh vi này chính là điểm ký hiệu về “cường độ” và “ trường độ” âm thanh của quả chuông lúc trình tấu. Trên mỗi quả chuông đều có móc để treo lên giá được chạm trổ hết sức tinh vi, đẹp mắt.
 
Vào năm 2002 - 2003, trong khi thực hiện bộ hồ sơ Nhã nhạc Cung đình Huế để trình lên UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; cả hai nghệ nhân Nhã nhạc cuối cùng thời Nguyễn là cụ Trần Kích và Lữ Hữu Thi đều cho biết họ không biết được các công thức, kĩ năng để trình tấu hai loại nhạc cụ độc đáo này. Sau đó năm 2004, với sự giúp đỡ về chuyên môn của các chuyên gia Hàn Quốc, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã phục chế một bộ biên chung gồm 12 chiếc để trưng bày tại Trai Cung. Phục chế chỉ thành công về mặt “hình thức” của nhạc cụ. Chất lượng âm thanh thì không thể. Theo các chuyên gia Hàn Quốc khi đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để nghiên cứu các thang âm trực tiếp trên 8 chiếc chuông cổ, vì tác động của thời gian nên âm thanh không còn chuẩn như nguyên thủy.
 
Đáng tiếc là đến nay, dù đã dày công nghiên cứu chưa tìm thấy tài liệu hướng dẫn. Cũng không còn nghệ nhân nào biết cách trình tấu hai bộ biên chung và biên khánh.
Hạ Quyên
Theo Báo Du Lịch