Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Bánh tráng nhúng đường dân dã

Thứ bảy, 22/06/2019, 11:06 GMT+7
Bánh tráng, còn gọi là bánh đa, ngoài nướng ăn trực tiếp còn có nhiều cách sử dụng khác, có thể xúc ăn kèm nộm mít non, xúc hến xào, làm món bánh tráng đập, ăn kèm mỳ Quảng… Một kiểu ăn bánh tráng cũng không kém phần thú vị là bánh tráng nhúng đường, thường thấy ở một số huyện của tỉnh Quảng Nam.
test
 
bánh tráng nhúng đường
Bánh tráng nhúng đường, một món ăn dân dã
 
Tên gọi là “bánh tráng nhúng đường”, tuy bánh tráng lại là yếu tố phụ của món ăn. Đặc trưng chính của món ăn này là đường non, thứ được chuyển hóa từ nước mía thành trong quy trình nấu đường bát (đường phên) của những hộ dân trồng mía ở Quảng Nam. Vào mùa Hè, là mùa thu hoạch mía của bà con vùng các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên… Ngoài lượng bán trực tiếp cho thương lái để bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh giải khát, mía còn được bà con thu hoạch về, tự ép lấy nước và nấu đường, sau đó mới bán đường cho thương lái.
 
Quy trình nấu đường khá đơn giản. Mía được chặt từ ruộng, bỏ lá khô và ngọn, bà con quen gọi là lau mía; sau đó mía được chở đến cơ sở nấu đường gia công, ép lấy nước, lọc bỏ cặn bã rồi cho vào chảo gang to đun lên. Quá trình đun, nước mía sôi lên sẽ đọng bọt, người nấu phải vớt hết bọt bỏ đi thì đường thành phẩm mới trở nên sạch và được giá. Qua khoảng một giờ đun, nước mía cô lại, dần chuyển hóa thành đường non. Lúc này, chủ lô mía hoặc những người quen đã chuẩn bị sẵn bánh tráng nướng, đục lỗ giữa bánh rồi dùng dây xâu qua để nhúng trong chảo đường, như vậy là có món bánh tráng nhúng đường thú vị.
 
Có một điều đáng nói, ở vùng trồng mía, hầu như bà con rất chuộng món bánh tráng nhúng đường. Nhà ai nấu đường cũng chuẩn bị vài cái bánh tráng để nhúng; cầu ký hơn, họ còn chuẩn bị cả lạc rang để làm kẹo lạc. Hàng xóm thấy thích cũng kiếm cái bánh tráng nhúng nhờ ăn cho vui; nếu nhúng nhiều thì phải đợi mẻ đường của nhà, hoặc khi chủ lò nấu, khi đó chỉ phải trả thêm một chút phí, khoảng 5.000-10.000 đồng cho mỗi cái bánh tráng nhúng đường; ngày cao điểm, có chi chủ lò phải nhúng từ 300-500 cái bánh tráng. Bánh tráng nhúng đường ăn có vị ngọt thanh, trẻ em và người lớn đều thích; có thể ăn trong gia đình, cũng có thể làm quà. Sau một cơn mưa rào, được ăn chiếc bánh tráng nhúng đường vừa ra lò thì hương vị càng cuốn hút; sẽ cảm nhận được hơi nóng ấm, vị ngọt và mùi thơm của đường non, vị giòn của bánh tráng hòa quyện trong món quà quê.
 
Lại nói về món kẹo lạc của vùng mía, đây quả thật là điều bất ngờ. Kẹo lạc rất dẻo, dẻo hơn cả món Cu-đơ vùng Nghệ - Tĩnh, khác hẳn kẹo lạc Sìu Châu vùng Nam Định và các loại kẹo lạc khác trên thị trường. Khi những cơn mưa rào trút xuống dai dẳng, khi lò nấu đường không nổi lửa, những cô gái vùng mía sẽ tự thắng đường non làm kẹo lạc. Đây mới thật sự là điều bất ngờ, bởi lẽ không phải ai cũng thắng được đường non, có thể xem như là sự thi thố về đẳng cấp khéo tay, đảm đang của các cô gái vùng mía. Lúc này không có bánh tráng, lạc được sắp trong đĩa, những cô gái thắng được đường non thì cho trực tiếp vào đĩa lạc. Và món kẹo lạc trở thành độc nhất vô nhị, người ăn sẽ phải dùng thìa cứng cạy hoặc dùng đũa xoắn mới có thể ăn được. Nếu có dịp đi qua vùng Quảng Nam mùa thu hoạch mía, hãy cố tìm cách nếm thử một lần món quà quê dân dã của địa phương.
Ngọc Quỳnh
Theo Báo Du lịch
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc