Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Bánh đa Minh Châu - món ăn giản dị của vùng đất xứ Thanh

Thứ bảy, 27/07/2019, 11:21 GMT+7
Khi đến làng nghề Minh Châu, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm béo ngậy của những hạt vừng và tiếng nổ lép bép của than hoa đang cháy. Đó chính là mùi thơm của bánh đa làng Minh Châu, một loại đặc sản của xứ Thanh mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây. 


Lịch sử làm bánh đa của làng Minh Châu

 
Banh-da-Minh-Chau
Món ăn này không chỉ là đặc sản của riêng làng Minh Châu mà còn là của cả Thanh Hóa

Làng Minh Châu nằm ở xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nằm ở bên bờ sông Chu. Ngôi làng nổi tiếng với nghề làm bánh đa hàng trăm năm nay. Ngay cả những người cao tuổi nhất của làng cũng không nhớ nghề làm bánh đa có từ bao giờ. Tuy nhiên, nghề này đã gắn với cái tên của làng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, bánh đa của làng Minh Châu vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay, từ hình dáng, hương vị cho đến cách sản xuất không thay đổi quá nhiều.
 

Nguyên liệu làm bánh

 
Banh-da-Minh-Chau
Bột gạo dùng để làm bánh đa được xay từ những hạt gạo tốt nhất của xứ Thanh
 
Trên lãnh thổ Việt Nam, có rất nhiều làng nghề làm bánh đa khác nhau nhưng bánh đa Minh Châu vẫn mang một một nét hấp dẫn rất riêng. Bánh đa của ngôi làng này nhiều vừng nên ăn ngon hơn. Ngoài ra, để phù hợp với với khẩu phần của từng người, những người nghệ nhân nơi đây cũng tạo ra những chiếc bánh có kích thước to nhỏ khác nhau.
 
Khác với những làng nghề làm bánh đa khác, người ta thường pha một số nguyên liệu khác như khoai lang, bột sắn, cơm nguội; bánh đa làng Minh Châu chỉ dùng một loại nguyên liệu duy nhất đó chính là bột gạo với vừng. Theo những người làm bánh lâu năm, bánh đa được làm bột gạo sau khi quạt mới có thể giữ được độ giòn, thơm lâu và không bị dai dù để lâu trong không khí. 
 

Cách chế biến bánh công phu

 
Banh-da-Minh-Chau
Người thợ phải quạt bánh đều tay để bánh có thể chín đều
 
Bánh đa có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách người ta quạt bánh khi nướng bánh. Người thợ phải giữ lửa thật đều tay, để giữ cho bánh được chín đều và có một màu vàng tự nhiên hấp dẫn. Ngoài ra, loại than dùng để nướng bánh đa phải là than hoa. Loại than này được lấy từ những gốc cây to và chỉ có chúng mới khi có thể tạo ra những ngọn lửa cháy lâu, đượm và đều; không chóng tàn như những loại than khác.
 

Lịch sử tên gọi bánh đa

 
Cái tên gọi độc đáo của bánh đa làng Minh Châu cũng gắn liền với rất nhiều những câu chuyện lịch sử thú vị mà các cụ cao niên vẫn còn kể lại cho con cháu đời sau. Nhiều người giải thích rằng bánh đa có cái tên như vậy bởi vì nó có hình dáng giống như những chiếc lá đa. Tuy nhiên, thực sự không phải như vậy. Bánh đa của làng Minh Châu có tên gọi gốc là “bánh tráng”. Bởi vì, cách làm ra món bánh này dựa trên phương pháp tráng bột. Tuy nhiên, cho đến khoảng giữa thế kỷ 17, loại bánh này đã bị Chúa Trịnh Tráng (1577 - 1657) ra lệnh phải thay đổi tên, với lý do phạm huý tên của nhà vua. Không chỉ riêng loại bánh này, mà tất cả những món ăn nào có chữ “tráng” đều phải thay đổi tên. Bởi vậy, từ đó người ta không dùng cái tên “bánh tráng” nữa mà đổi thành bánh đa và tên gọi này còn được duy trì cho tới tận ngày nay.
 

Món quà nơi thôn dã

 
Banh-da-Minh-Chau
Chế biến bánh đa gồm rất nhiều công đoạn vất vả
 
Công việc của người làm bánh đa ở làng Minh Châu rất vất vả. Những người khi thợ làm bánh phải thức khuya dậy sớm. Buổi tối trước khi đi ngủ, họ phải mang gạo ra ngâm khoảng 5 đến 6 tiếng. Loại gạo dùng để làm bánh đa tiêu chuẩn phải là loại gạo tẻ cũ và khi xay xát, chỉ xát dối, vẫn còn vỏ lụa của gạo. Ngày xưa, khi chưa có máy xay bằng điện, người thợ phải xay bột thủ công bằng cối xay đá. Xay hết những mẻ bột để làm bánh đôi khi mất cả buổi sang. Đến gần trưa công đoạn tráng bánh mới được bắt đầu và cũng để kịp phơi nắng cho khô.
 

Cách thưởng thức bánh đa 

 
Banh-da-Minh-Chau
Bánh đa và hến kết hợp với nhau sẽ tạo ra một món ăn tuyệt vời
 
Bánh đa Minh Châu thường được ăn kèm với hến xào ở sông Chu, cũng là một món đặc sản truyền thống của ngôi làng này. Loại hến phải là loại hến nhỏ được xào đầy đủ với gia vị rồi được bày ra đĩa kèm theo một ít rau thơm để trang trí. Ngoài ra, bánh đa sống còn có thể được cắt thành từng miếng nhỏ để xào cùng với thịt lươn, ếch, ốc hoặc ba ba. Khi đó, miếng bánh đa đã xào chín sẽ có cảm giác dai và một hương vị đặc biệt. Món ăn này khi được uống với bia sẽ mang lại cho những người nhậu hương vị khó quên.
 
Bánh đa là Minh Châu đã nổi tiếng nhưng để phát triển và khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường vẫn còn còn thiếu một thứ gì đó. Đó chính là việc đăng ký một thương hiệu và cách cách quảng cáo món bánh này tới những những vùng miền khác của đất nước. 
 
Xuân Hội
Theo Báo Thể thao Việt Nam