Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Bạn biết gì về nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Việt Nam?

Chủ nhật, 05/05/2019, 18:22 GMT+7
Âm nhạc, từ bao đời đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Có âm nhạc, có những dụng cụ tạo nên tiếng nhạc khiến cho đời sống tinh thần của con người như có thêm sắc màu mới. 
test
 
Âm nhạc gắn liền với văn hóa. Âm nhạc sinh ra từ đời sống thường ngày, từ lối suy nghĩ, từ cách ứng xử và từ những gì thuộc về cuộc sống. Mỗi một dân tộc trên dải đất hình chữ S thân yêu đều có những phong tục, những nét văn hóa riêng, độc đáo. Từ đó hình thành nên những giai điệu riêng, nhạc cụ truyền thống cũng từ đó mà muôn phần phong phú. Vậy, ở các dân tộc thiểu số Việt Nam có những nhạc cụ truyền thống nào?
 
Mỗi một dân tộc tại sáng tạo cho riêng mình những nhạc cụ truyền thống riêng
 

Nhạc cụ truyền thống người Mông
 

Người ta nói rằng những nhạc cụ truyền thống của người Mông giống như viên ngọc lung linh, tỏa sáng trong kho tàng văn hóa người Mông. Từ những chiếc lá, những ống tre, ống nứa, những thứ xuất hiện thường trực quanh cuộc sống của người dân tộc Mông, họ đã chế tác ra rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa của cộng đồng mình. 
 
Người Mông khéo léo tạo ra nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt của cộng đồng mình
 
Tiếng khèn có lẽ là thứ âm thanh quen thuộc đã ngấm vào máu của mỗi đứa con người Mông. Thân khèn được chế tác bằng gỗ pơmu cũng sáu ống trúc với kích cỡ khác nhau. Người Mông quan niệm, sáu ống trúc là biểu tượng cho tình anh em. Những ống trúc được xếp song song với nhau, tạo cảm giác như nhìn thấy những dòng nước đang chảy trôi. 
 
Tiếng khèn gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Mông
 
Người Mông thổi khèn khi buồn vui, trong cuộc sống thường ngày. Do đó, tiếng khèn chứa những cảm xúc rất chân thực của con người, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông. 
 

Nhạc cụ truyền thống của người Tày
 

Khi nhắc đến âm nhạc người Tày, người ta sẽ nghĩ ngay đến đàn tính. Nó giống như một linh hồn của âm nhạc của người Tày, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong văn hóa sinh hoạt cộng đồng và là niềm tự hào của con người nơi đây. 
 
Đàn tính là loại đàn dây bao gồm ba bộ phận là bầu, cần và dây. Bầu đàn là yếu tố then chốt, quan trọng quyết định đến chất lượng âm thanh của một cây đàn. Bàu đàn được làm bằng một nửa quả bầu khô, bầu càng già, tròn, bóng và không bị lồi lõm thì chất lượng âm thanh càng chuẩn. 
 
Đàn tính là nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của người Tày
 
Để làm được cây đàn tính cần có sự kiên trì và một đôi bàn tay khéo léo. Người làm đàn tính phải hiểu được những quy tắc, luật lệ của nó để chọn bầu đàn đúng kích cỡ, so dây chuẩn và đục lỗ bầu thật chuẩn mực. Trong các lễ hội văn hóa của người Tày, tiếng đàn then vang lên như một âm thanh không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. 
 
Để chế tạo ra đàn tính cần sự kiên trì và khéo léo
 

Nhạc cụ truyền thống người dân tộc Vân Kiều
 

Bên cạnh những lễ hội truyền thống, trang phục đặc trưng, người Vân Kiều còn nổi tiếng bởi sở hữu cả một kho tàng nhạc cụ truyền thống độc đáo. Các loại nhạc cụ của người Vân Kiều còn thô sơ, nhưng đó là niềm tự hào và sự phát triển của người Vân Kiều qua hàng trăm năm lịch sử. 
 
Cùng với những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, họ đã chế tác ra những loại nhạc cụ vô cùng đơn giản nhưng thể hiện được đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt thường ngày của cả cộng đồng. 
 
Người Vân Kiều sở hữu một kho tàng nhạc cụ truyền thống phong phú
 
Trong kho tàng nhạc cụ truyền thống ấy của người Vân Kiều có chiếc sáo khui. Đây là loại sáo phổ nhạc hát đệm cho làn điệu Xà lớt đặc trưng của người dân Vân Kiều. Tiếng sáo cất lên, thể hiện được nỗi lòng của người thổi, nó vang lên giai điệu của thế thái nhân tình, của các mối quan hệ trong xã hội và làng bản. Bên cạnh đó, người Vân Kiều còn sáng tạo ra loại khèn môi, sáo Teril, Pluaq,… tất cả đều sử dụng những loại nguyên liệu có sẵn trong rừng, quanh nơi mình ở. Do đó mà âm thanh khi cất lên nghe mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm nỗi lòng của con người đã sáng tạo ra nó. 
 
Sáo khui là một nét độc đáo của người Vân Kiều
 
Đi đến mỗi một vùng đất, nghe một câu chuyện, gặp một con người, lắng lại để nghe một vài giai điệu truyền thống, ta hiểu hơn về nỗi niềm và tình yêu của con người ở vùng đất đó. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại tìm đến âm nhạc thay vì một thứ nào khác. Là bởi từ âm nhạc, họ có thể nói trọn vẹn và khéo léo nhất về nỗi lòng và cuộc sống của chính đồng bào mình ở đó. 
 
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc