Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Đặc sắc nghi lễ cúng dâng bánh dày trong Tết cổ truyền của người Mông đen

Thứ sáu, 11/01/2013, 10:45 GMT+7

Có thể nói, bánh dày là một đặc sản của người Mông nên trong các dịp cúng lễ, tổ chức lễ hội hoặc các nghi thức hiếu, hỷ, người Mông đều giã bánh dày. Với người Mông, bánh dày được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như làm đồ ăn, làm quà biếu khách ở xa, làm đồ cúng tế.

test

>Tính phồn thực trong lễ hội cầu mưa vùng Bắc Bộ

 

le cung

 

Trong dịp tết cổ truyền (Nào pê chầu) của người Mông, việc dâng cúng bánh dày cho tổ tiên và các vị thần là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, nghi lễ đòi hỏi sự thận trọng từ việc chuẩn bị nguyên liệu giã bánh dày cho đến việc thực hiện các nghi thức cúng. Việc cúng dâng mời bánh dày chỉ được các gia đình người Mông thực hiện trong ngày 30 và ngày mồng 3 tết (theo cách tính lịch âm của người Mông).

Ngay từ tối ngày 29 tết, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp, đến sáng sớm ngày 30 sẽ đồ thành xôi giã bánh dày. Đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng nhân dịp tết của người Mông. Việc giã bánh dày thường do những nam thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm. Phữ nữ là những người phụ giúp, chuẩn bị lá gói bánh, các dụng cụ đựng bánh, rang vừng… Khi mẻ bánh dày đầu tiên vừa được giã nhuyễn, người ta dùng lạt giang chia đôi chỗ bánh vừa giã, một nửa sẽ được nặn thành nhiều chiếc bánh nhỏ, nửa kia sẽ được chủ nhà nặn thành một chiếc bánh thật to, tròn, đầy đặn rồi đưa vào trong một chiếc mẹt đã được lót lá chuối hoặc lá dong ở bên trong. Sau đó chiếc bánh này được đem đặt lên trên quá giang của nhà ngay cạnh cột chính (nơi có ma nhà), đây là chiếc bánh sẽ được đem ra cúng trong ngày mồng 3 tết. Bánh dày mới làm xong, mọi người không được ăn ngay mà phải đợi khi chủ nhà khấn mời tổ tiên trước. Sau khi đốt hương thắp tại các vị trí thờ xử ca lò de, ma cột nhà, ma cửa, ma bếp, chủ nhà đặt một chiếc bàn trước  bàn thờ, rồi lấy một chiếc ghế ngồi ngay bên canh, trên tay cầm một chiếc bánh dày, miệng bắt đầu khấn. Lần khấn đầu tiên là khấn mời bố, mẹ (nếu bố mẹ đã khuất hoặc chỉ có bố hoặc mẹ đã khuất), khi còn sống, bố mẹ là các bậc sinh thành và là những người thận thiết, gần gũi, yêu thương nhất nên khi cúng khấn phải nhớ tới bố mẹ đầu tiên.

Lời khấn: Thưa bố (mẹ) hôm nay gia đình giã được bánh dày mới của năm mới thơm ngon, chưa ăn. Con xin mời bố (mẹ) về ăn bánh dày tết nhé”

Khấn mời bố mẹ xong, chủ nhà bắt đầu vào lời khấn chính, theo truyền thống người Mông nói chung và người Mông đen ở Hua Rốm nói riêng phải khấn mời đủ ba đời (bậc ông bà, bâc cha chú và bậc ngang vai với người khấn). Lần lượt mỗi bậc khấn một lần, đồng thời với mỗi lời khấn, người khấn lấy một ít bánh dày đặt xuống bàn với ý mời những người đã khuất về ăn bánh dày. Nội dung khấn như nhau, chỉ khác nhau cách xưng hô:

Lời khấn: “Năm cũ qua đi năm mới đã về, gia đình giã được bánh dầy mới chưa ăn, kính mời ông, bà… ( cô, chú…gọi tên từng người) về ăn. Về cùng ăn, về cùng uống, ăn uống rồi phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn được khỏe mạnh không ốm đau, bệnh tật. Phù hộ cho mùa màng luôn tốt tươi bội thu, phù hộ cho chăn nuôi phát triển sinh nở bầy đàn đầy chuồng đầy trại. Phù hộ cho những cái may mắn, xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bệnh tật theo năm cũ. Năm mới đến làm nương làm rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa gặp gió, năm mới cơm mới được ăn, nước mới được uống, chăn nuôi không dịch bệnh, mùa màng thì làm ít được nhiều, làm nhiều sẽ có của ăn, của để cho gia đình nha”.

Khi mời đủ ba đời, chủ nhà lấy thêm một ít bánh và khấn những người trong họ đã mất mà không nhớ tên tuổi về ăn với lời khấn:

Lời khấn: “Năm mới đến, gia đình giã được bánh dày mới để ăn tết, chưa ăn xin mời ông bà, cô chú, những người trong họ mà gia đình không biết tên, không nhớ tuổi về cùng ăn bánh tết với gia đình, về phù hộ và che chở cho con cháu năm mới gặp  thuận lợi mới, gia đình phát tài lộc mới nhé”.

Sau khi khấn mời tổ tiên, chủ nhà sẽ khấn mời các loại ma trong nhà như: ma xử ka lò de, ma bếp, ma cột nhà, ma cửa.

Lời khấn: “Năm mới gia đình giã được được bánh dầy thơm ngon, kính mời ma nhà, ma cửa, ma cột nhà, ma bếp, ma Xử Ka Lò De, tất cả cùng về ăn nhé. Về cùng ăn, về cùng uống rồi phù hộ cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu luôn khỏe mạnh, phù hộ cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển. Năm mới đến phù hộ để gia đình gặp cái may mắn mới, thuận lợi làm ăn mới nhé”.

Cuối cùng,  chủ nhà mang phần bánh còn lại ra trước hiên nhà khấn mời các vị thần thổ địa, các vị thần cai quản vùng đất này, với lời khấn:

Lời khấn:  “Năm mới đã đến, hôm nay gia đình giã được bánh dày thơm ngon chưa ăn mà xin kính dâng lên ma thổ địa, ma sông suối, ma núi, ma rừng, các thần linh canh giữ bản làng Hua Rốm này, tất cả hãy cùng về ăn, cùng hưởng thụ lễ vật, ăn nhớ phù hộ, uống rồi nhớ che chở, trông giữ làng bản. Hãy phù hộ cho mọi người trong bản làng được khỏe mạnh, làm nương rẫy tươi tốt, mùa màng bội thu; phù hộ cho vật nuôi sinh sôi phát triển không bệnh dịch, không bị hổ, sói ăn. Hãy mang cho làng bản những điều tốt lành nhé”.

Nghi thức cúng mời bán dày diễn ra vào ngày chiều mồng 3 tết là nghi lễ cuối cùng của “Nào Pê Chầu” , đó là lễ mời tổ tiên ăn bánh dày và tiễn tổ tiên ra về. Trong nghi thức này, chiếc bánh dày đầu tiên được làm từ từ mẻ bánh đầu tiên được để nơi cột chính thờ ma nhà sẽ được lấy xuống, sau khi quan sát hình dạng và bề mặt của bánh dày thấy căng tròn, phẳng đẹp và nguyên vẹn, chủ nhà sẽ dùng dao cắt bánh dày thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào chảo dán vàng rồi đem ra bày lên mâm, chủ nhà cúng mời tổ tiên. Chủ nhà ngồi bên cạnh mâm và khấn:

Lời khấn: “Hôm nay là ngày mồng ba tết, gia đình có bánh dầy mới chưa ăn, kính mời tổ tiên ông bà, các vị thần linh về cùng ăn, về cùng uống. Bước sang năm mới xin các thần linh, thổ công, thổ địa, ông bà, tổ tiên xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bệnh tật của năm cũ đi, phù hộ cho gia đình chúng con gặp nhiều may mắn, làm nương rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa to gió lớn, kinh tế gia đình sung túc, có cơm ăn, có nước uống, chăn nuôi không bị bệnh dịch, mùa màng bội thu, làm ít được nhiều, làm nhiều sẽ có của ăn của để cho gia đình nhé”.   

Theo quan niệm của người Mông đen ở Hua Rốm, bánh dày cúng mời tổ tiên và các vị thần ăn và tiến họ về thế giới bên kia phải là chiếc bánh dày to nhất, đầy đặn nhất, nó tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Khi mời tổ tiên ăn bánh dày là để tạ ơn sinh thành bao bọc của tổ tiên với con người và tiễn đưa tổ tiên trở về thế giới bên kia một cách an toàn trọn vẹn.

Cúng mời tổ tiên bánh dày và tiễn tổ tiên về thế giới bên kia là nghi lễ cuối cùng trong các nghi lễ của “Nào pê chầu”. Thông qua các nghi lễ này thể hiện những quan niệm mộc mạc, chân thành đầy tính nhân văn của người Mông về vũ trụ và con người. Lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành nuôi nấng và bao bọc cho bao thế hệ người Mông có được cuộc sống như ngày hôm nay./.

dulichvn
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc