Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Bí ẩn của thành cổ Trà Kiệu

Thứ sáu, 15/03/2013, 12:07 GMT+7

Ở Quảng Nam các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một kinh đô của Vương Quốc Chămpa. Niềm vui hé nở cho các nhà khảo cổ nhưng cũng là nỗi lo bảo tồn các di sản khảo cổ.

test

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện những di chỉ khảo cổ cho thấy khu di tích Trà Kiệu từng là kinh đô của vương quốc Chămpa. Cả một đoạn thành cổ được xây dựng kiên cố với kỹ thuật rất cao đã phát lộ sẽ góp phần rất nhiều vào quá trình nghiên cứu về nền văn minh Chămpa.

Theo báo cáo khảo cổ, thành Trà Kiệu được xây hai bờ bằng gạch chạy song song với nhau ở giữa là đất sét. Thành cổ này được xây dựng khoảng thế kỷ thứ IV-V. Hiện nay, khu vực xung quanh kinh đô Trà Kiệu vẫn còn các bờ thành cổ bao bọc nằm sâu trong lòng đất thuộc các xã Duy Trung, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

 

du lich viet nam

Bài toán bảo tồn, phát huy với di tích thành cổ Trà Kiệu không đơn giản
 

Dân tộc Chămpa góp một nền văn hóa đặc sắc vào di sản văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S. Với một nền văn minh rực rỡ từng được lịch sử ghi chép lại như vương quốc Chămpa, việc các nhà khảo cổ học phát hiện dấu tích của một kinh đô xưa không gây bất ngờ.

Điều bất ngờ, lý thú là thành cổ này được xây dựng bằng gạch và đất sét chìm sâu dưới lòng đất mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay mặc dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử cũng như thiên tai và chiến tranh tàn khốc.

Mặc dù bây giờ thành Trà Kiệu chỉ là một phế tích, nhưng đó lại là một di tích khảo cổ học giá trị để nghiên cứu, tìm hiểu về nền văn minh Chămpa và cũng đặt ra thách thức với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản khảo cổ này.

Di tích khảo cổ của chúng ta có nhiều, nhưng tầm vóc dấu tích cả một kinh đô xa xưa trong lòng đất như thành Trà Kiệu thì mới chỉ có Hoàng thành Thăng Long. Một di sản đã được thế giới công nhận, một di sản cũng vừa được công nhận là Di tích quốc gia. Nhưng đằng sau danh hiệu, là cả một nỗi lo bảo tồn, phát huy giá trị. Nhìn lại Hoàng thành Thăng Long- một di sản nằm giữa Thủ đô mà các nhà quản lý văn hóa, những người làm di sản còn phải chật vật mãi mới giành được sự thống nhất trong quản lý.

 

bi an cua thanh co tra kieu

 

Rồi sự vào cuộc của rất nhiều nhà nghiên cứu mới đi đến bài toán tiếp tục khai quật khảo cổ hay dừng lại. Một vấn đề tiếp nữa, khai quật cũng phải có kinh phí, không khai quật tiếp cũng phải có kinh phí bảo tồn.

Giữa Thủ đô còn mất cả chục năm, Hoàng thành Thăng Long mới có diện mạo như hôm nay thì ở một vùng đất nghèo, thiên tai khắc nghiệt như xứ Quảng, cộng với đặc thù di sản là phế tích dễ bị phá hủy và có thể bị tan biến rất nhanh nên việc phát lộ rồi, gìn giữ thế nào để phát huy là vô cùng khó.

PGS.TS Tống Trung Tín từng chia sẻ: “Ở ta chưa có nguồn nhân lực trong bảo tồn di sản dưới lòng đất cũng như trình độ khoa học kỹ thuật  chưa đủ để bảo tồn các di tích khảo cổ”. Bởi vậy, bài toán làm cách nào để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thành cổ Trà Kiệu càng không đơn giản.

Trình độ khoa học đã vậy, nguồn nhân lực đã vậy, nhưng một vấn đề nữa là nhận thức của nhiều cấp về di sản còn chưa đúng tầm. Còn nhớ, khi người ta làm đường nối từ Nha Trang về Ninh Thuận, theo thiết kế ban đầu sẽ đi qua một tháp Chăm.

Nhưng nhờ sự đấu tranh của người dân địa phương và các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, tháp Chăm ấy đã được giữ lại. Bây giờ, khi đến Ninh Thuận, ai cũng có thể thấy, một tháp Chăm nằm trơ trọi chỉ cách ngay quốc lộ có vài mét.

Chưa kể sự xói mòn của thiên nhiên mưa nắng, những rung chấn từ việc hàng ngàn lượt xe cộ đi qua mỗi ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ của tháp Chăm này. Thế nhưng, nỗi lo vẫn chỉ là nỗi lo. Còn thực hiện thế nào thì những người có tâm huyết với di sản đành bất lực.

Thêm một di sản được phát lộ, niềm vui cũng vừa nhen nhóm. Rồi đây, có thể cả thế giới sẽ lại biết đến và tôn vinh một thành cổ Trà Kiệu? Từ giờ đến đó còn là câu chuyện dài. Nhưng chúng ta có thể hy vọng, bởi như ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết:

“Lâu nay, du khách đến di sản thế giới thánh địa Mỹ Sơn vẫn quan tâm rất nhiều đến thành cổ Trà Kiệu. Sau khi phát hiện dấu tích kinh đô Trà Kiệu, Bộ VHTTDL đã có quyết định công nhận Trà Kiệu là Di tích lịch sử quốc gia. Đây là cơ sở để Sở VHTTDL Quảng Nam có đề án để bảo tồn di tích này. Trong đó, sẽ triển khai xây dựng bộ sưu tập tại khu di tích là những di vật khảo cổ học có liên quan đến thành cổ Trà Kiệu và nền văn hóa Chămpa xưa”.

Sưu tầm
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc